25/12/2020 3:47 PM
CafeLand - Năm 2020, dòng vốn FDI chảy vào bất động sản diễn ra đầy biến động, “xẹp” vào đầu năm và bùng nổ mạnh vào những tháng cuối năm. Trong đó, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bình Dương trở thành những điểm nóng hút vốn FDI nhất trong năm nay.

Năm thăng trầm của FDI vào bất động sản

Theo Bộ Xây dựng, đại dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới, trong đó các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn. Tính hết quý III/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chỉ đạt 21,2 tỷ USD.

Nguồn: Số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Vốn đăng ký đầu tư trong lĩnh vực bất động sản chỉ đạt gần 3,2 tỷ USD, chiếm khoảng 15% tổng nguồn vốn FDI đăng ký mới.

Như vậy, sau thời gian dài giữ vị trí số 2 sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động kinh doanh bất động sản đã bị tụt xuống vị trí thứ 3 trong thu hút vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong quý I/2020 bao gồm vốn đăng kí cấp mới, vốn đăng kí điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 8,6 tỷ USD, giảm 20,9% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 758 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng kí đạt 5,5 tỷ USD, giảm 3,4% về số dự án.

6 tháng đầu năm 2020, FDI vào bất động sản chỉ đạt gần 850 triệu USD, giảm mạnh gần 40% so với cùng kỳ năm 2019. Đồng thời cũng không có dự án nào ghi nhận có quy mô lớn như các năm trước.

Tổng dư nợ cho vay bất động sản của toàn bộ nền kinh tế khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 14% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, 63% là cho vay bất động sản nhà ở, còn lại là cho vay kinh doanh bất động sản.

Đến quý III/2020, bất động sản khởi sắc cho thấy dấu hiệu hút mạnh lại dòng tiền FDI. Số liệu cho thấy, tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản tăng từ 0,26 tỷ USD trong quý I lên 2,35 tỷ USD trong quý III, tăng 400% so với quý II/2020.

Trong quý III, dự án quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp biển Sầm Sơn do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư là một trong những "siêu dự án" đầu tư vào Thanh Hóa, tổng vốn lên đến hơn 1 tỷ USD. Dự án này được kỳ vọng góp phần đưa Sầm Sơn trở thành một trong những trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực.

Năm nay cũng ghi nhận có sự thay đổi đáng kể về đối tác đầu tư. Các vị trí dẫn đầu đã không còn thuộc về các đối tác quen thuộc như Nhật Bản, Hàn Quốc. Mà Singapore đã trở thành quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong 6 tháng với tổng vốn đầu tư 5,44 tỉ USD, chiếm 34,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Thái Lan đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,58 tỉ USD và Trung Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,58 tỉ USD.

Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương: Điểm nóng dòng tiền FDI năm 2020

Hà Nội, Thanh phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu là những điểm nóng hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhất trong năm 2020. Trong đó, bất động sản của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 2 điểm hút mạnh vốn ngoại.

Nguồn: Số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Ông David Jackson, Giám đốc điều hành Colliers International Việt Nam gần đây cho rằng: Thành phố Hồ Chí Minh có thị trường bất động sản năng động có tiềm năng phát triển cao nhất. Hà Nội vẫn là địa điểm đầu tư bất động sản dân cư hoặc thương mại được nhà đầu tư nước ngoài ưa thích nhất ở miền Bắc Việt Nam.

Số liệu thực tế cho thấy, 11 tháng đầu năm, Hà Nội là điểm hút vốn FDI đăng ký mạnh nhất, chiếm hơn 1/4 tổng giá trị vốn FDI đăng ký đầu tư vào lĩnh vực bất động sản cả nước.

Hai dự án hút vốn đầu tư FDI đăng ký tăng thêm mạnh nhất trong 11 tháng có giá trị hơn 1 tỷ USD, là Star Lake City và Central Palace ở Hà Nội, chiếm tới 26,8% tổng vốn đăng ký vào lĩnh vực bất động sản

Cụ thể, dự án Khu trung tâm đô thị tây Hồ Tây, tên thương mại Star Lake City do Daewoo E&C, Hàn Quốc làm chủ đầu tư, điều chỉnh vốn đầu tư thêm 774 triệu USD. Và dự án Công trình văn phòng tại 29 Liễu Giai có tên thương mại toà văn phòng Central Palace, do thành viên của Tập đoàn CapitaLand, Singapore làm chủ đầu tư, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 246 triệu USD.

Xếp sau Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với tổng giá trị vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản 822,4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 21,6% tổng giá trị vốn FDI đăng ký đầu tư vào bất động sản cả nước.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, đến nay, Bình Dương đã thu hút được 1,38 tỷ USD (đạt 81,3% kế hoạch năm 2020), có 89 dự án mới, 64 dự án điều chỉnh vốn và 295 dự án góp vốn.

Khác với thị trường bất động sản Tp.HCM, Bình Dương phát triển dựa theo sự lớn mạnh của phân khúc bất động sản công nghiệp. Bình Dương được xem là “thủ phủ công nghiệp” của nước ta, đang thu hút rất mạnh các nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án đầu tư ở đây.

Hiếu Hiền
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.