04/05/2015 1:13 PM
Một dự án du lịch ở vùng heo hút của Bình Thuận được cho rằng có nhiều khả năng chỉ là vỏ bọc để khai thác khoáng sản đất sét trái phép, tránh thuế, phí.

Những ngày cuối tháng 4, khi chúng tôi có mặt đã chứng kiến tại đây một cánh đồng giáp ranh giữa hai huyện Tánh Linh và Đức Linh (Bình Thuận) như một đại công trình. Nhiều lượt xe ben cắn đuôi nhau nằm chờ múc đất sét lên đầy xe rồi vội vã chuyển đi. Phía bên trong, đất bị đào bới nham nhở khắp nơi tạo thành các hố rộng cả ngàn mét vuông, sâu đến cả chục mét.

Dự án hoành tráng ở vùng heo hút

Cách nay hơn một năm, người dân xã miền núi Gia An, huyện Tánh Linh khá bất ngờ khi biết UBND huyện Tánh Linh đồng ý cho đầu tư tại khu vực cánh đồng hoang giáp ranh với huyện Đức Linh một khu dịch vụ vui chơi tầm cỡ trong đó có cả hồ bơi rộng tới 2.000 m2. Khu vực này là một xã miền núi, thuần nông, dân cư thưa thớt nên chỉ đọc lướt qua dự án hoành tráng này (do Công ty TNHH Thiên Thanh đưa ra), người dân không khỏi giật mình. Bởi lẽ chỉ riêng hồ bơi đặt ở nơi heo hút này mà dự kiến sẽ đón đến 27.000 lượt người/năm và quầy phục vụ giải khát ở đây cũng đón với số lượng khách tương tự là điều không thực tế.

Dự án có diện tích tác động đến 4,7 ha nhưng hơn một năm qua công ty này không hề lập thủ tục thuê đất, xin giấy phép xây dựng để xúc tiến như đã nêu. Vậy nhưng họ lại đưa nhiều cơ giới như xe ủi, máy xúc vào “dự án” đào bới vô tội vạ để lấy khoáng sản đất sét đưa lên xe ben vận chuyển đi và để lại những hố nham nhở.

Vì sao một dự án chưa lập thủ tục thuê đất, nằm cách tỉnh lộ 720 vài trăm mét nhưng Công ty Thiên Thanh lại cho khai thác khoáng sản trái phép mà không bị phát hiện, ngăn chặn, xử lý? Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết sở dĩ có việc này là nhờ “lá bùa” hậu thuẫn. Cụ thể, đầu tháng 1-2015, Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp (thuộc UBND huyện Tánh Linh) có tờ trình gửi UBND huyện nêu Công ty Thiên Thanh đang lập các thủ tục thực hiện dự án. Trong thời gian chờ hoàn thành thủ tục, trung tâm đề xuất UBND huyện cho phép công ty này san lấp mặt bằng sớm. Mặc dù đề xuất theo kiểu “cầm đèn chạy trước ô tô” nhưng ông Đinh Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh, đã bút phê đồng ý luôn dưới tờ trình và đóng dấu hẳn hoi.

Cơ giới hoạt động rầm rộ khai thác trái phép khoáng sản trong dự án của Công ty TNHH Thiên Thanh. Ảnh: PN


Ông Đinh Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh, đã không có văn bản trả lời theo quy định mà “linh động” bút phê đồng ý ký tên, đóng dấu vào tờ trình. Ảnh: PN

Thất thu tiền tỉ?

Có được “lá bùa” này và dù chỉ cho phép san lấp mặt bằng nhưng Công ty Thiên Thanh đã “tranh thủ” khai thác, vận chuyển đất sét tập kết ngoài dự án lên đến hàng chục ngàn mét khối để bán cho các lò gạch (giá khoảng 56.000 đồng/m3) mà chẳng đóng thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường cho ngân sách nhà nước một cắc nào.

Tương tự, cách dự án hồ bơi của Công ty TNHH Thiên Thanh không xa là dự án đào hồ nuôi trồng thủy sản và trồng sen do DNTN Tân Lộc Sơn thực hiện trên diện tích 2,6 ha. Ở dự án này, Tân Lộc Sơn đã lập thủ tục thuê đất, tuy nhiên theo tìm hiểu, doanh nghiệp cho đào, đưa khoáng sản đất sét ra ngoài mà chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng là trái phép.

Theo ghi nhận, ở hai dự án này, khối lượng đất sét khai khoáng trái phép chất thành nhiều đống lớn như núi. Hiện tại cả hai dự án này đều có người mắc võng nằm trước đường vào để cảnh giới. Khi thấy chúng tôi là người lạ dừng xe giả vờ tìm chỗ vệ sinh nhưng qua mật hiệu, các xe máy xúc, máy ủi đang hoạt động phía trong bỗng dưng tắt máy nằm im. Đại diện một doanh nghiệp hoạt động gạch ngói ở địa phương nhận định: “Việc lập ra các dự án chỉ là cái vỏ và họ sẽ không thực hiện dự án mà thực chất là khai thác trái phép đất sét để trốn thuế. Mỗi mét khối đất sét khi khai thác hợp pháp phải đóng phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên cho Nhà nước 12.000 đồng. Do vậy với những núi đất sét trái phép nhưng công khai của hai dự án vừa nêu Nhà nước đã mất tiền tỉ”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hùng Việt, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận, cho biết đã nhận được phản ánh về hai dự án này và sẽ lập đoàn kiểm tra, xử lý ngay.

Phương Nam (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.