08/02/2012 9:10 AM
Tập đoàn Hoa Sen đã quyết định rút lui khỏi bất động sản, quay về với lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là thép. Doanh nghiệp nào sẽ nối gót?
Xin chừa bất động sản
Hoa Sen quyết định rút hết vốn khỏi 3 dự án bất động sản, chỉ giữ lại dự án Phố Đông - Hoa Sen (quận 9, TP.HCM) đang được xây dựng dở dang.

Vào những năm 2006, 2007 và nửa đầu năm 2008, đầu tư vào bất động sản là một trong những ngành kinh doanh thời thượng với quan niệm đầu tư kiểu gì cũng có lời. Do vậy, nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng tài chính, thiếu kinh nghiệm cũng nhảy vào kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế, sự khó khăn của thị trường trong 3 năm qua đang buộc nhiều doanh nghiệp phải xem lại việc đầu tư vào lĩnh vực này.

Câu chuyện của Hoa Sen

Ngày 12.12.2009, Khu Dân cư Điền Phúc Thành, phường Phước Long B, Quận 9, TP.HCM, ồn ào hẳn lên bởi sự có mặt của một đội lân sư rồng, xe cộ tấp nập cùng những vị khách quan trọng. Hôm đó chính là ngày khởi công dự án liên doanh cao ốc Phố Đông - Hoa Sen do Tập đoàn Hoa Sen và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Phố Đông làm chủ đầu tư. Đó cũng là dự án bất động sản đầu tiên của Hoa Sen. Hai dự án tiếp theo của Tập đoàn là Khu Căn hộ Hoa Sen Phước Long B và Căn hộ Hoa Sen Riverside tại quận 9, TP.HCM.

Theo thông tin báo chí của Tập đoàn phát đi vào thời điểm đó, định hướng phát triển lâu dài của Hoa Sen là tiếp tục mở rộng đầu tư bất động sản và vươn tới mục tiêu đứng đầu trong lĩnh vực này. Hoa Sen cũng dự kiến triển khai hàng loạt dự án trên cả nước nhằm đón đầu thời điểm thị trường bất động sản hồi phục theo sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế sau khủng hoảng. Tiếp đó, năm 2010, Hoa Sen cũng bỏ ra 52,25 tỉ đồng mua đất ở 123 Trần Não, quận 2, TP. HCM với ý định xây trụ sở của Tập đoàn.

Trong 2 báo cáo thường niên của năm 2009 và 2010, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hoa Sen, luôn nhấn mạnh rằng bên cạnh lĩnh vực logistics, bất động sản là mảng hứa hẹn sẽ gia tăng doanh thu, lợi nhuận cho Tập đoàn.

Tuy nhiên, cuối năm 2011, Tập đoàn Hoa Sen đã có thay đổi lớn trong chiến lược kinh doanh. Đó là quyết định rút khỏi mảng kinh doanh phụ và tập trung cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là thép. Theo đó, Hoa Sen sẽ chuyển nhượng để rút hết vốn ra khỏi 3 dự án bất động sản và 1 dự án logistics là dự án Cảng Quốc tế Hoa Sen - Gemadept. Hoa Sen chỉ giữ lại dự án Phố Đông - Hoa Sen đang xây dựng dở dang. Tính đến hết năm 2011, tổng vốn Hoa Sen đã giải ngân cho 4 dự án dự định chuyển nhượng là 186,98 tỉ đồng.

Theo ông Vũ, Tập đoàn Hoa Sen, quyết định mở rộng hoạt động sang lĩnh vực bất động sản trước đây xuất phát từ dự báo triển vọng khả quan về thị trường này, nhưng diễn biến thị trường từ năm ngoái đến nay cho thấy bất động sản không được khả quan như dự tính ban đầu. Vì thế, Tập đoàn quyết định rút lui.

Theo báo cáo kiểm toán 2009-2010, Hoa Sen có mức nợ chiếm 64% tổng tài sản và gấp 1,8 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, 85% là nợ ngắn hạn. Với khoản nợ này, Hoa Sen đang chịu áp lực lãi vay rất lớn. Báo cáo tài chính trong 4 quý gần đây cho thấy, Hoa Sen đều phải dành hơn 50 tỉ đồng mỗi quý để trả lãi vay, tăng 2-3 lần so với cùng kỳ.

Đó là chưa kể đến việc Hoa Sen còn cần trên 1.000 tỉ đồng nữa để đầu tư vào Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ và Nhà máy ống thép, ống nhựa vật liệu xây dựng Hoa Sen giai đoạn 2. Vì thế, dù theo ông Vũ, việc chuyển nhượng dự án là nhằm thích nghi với những thay đổi trên thị trường bất động sản, nhưng có thể thấy việc Hoa Sen chuyển nhượng dự án có lẽ còn là do thiếu vốn.

Ai sẽ nối gót?

Quay lại năm 2009, năm không chỉ có Hoa Sen mà còn nhiều doanh nghiệp khác đã rất hồ hởi bước vào thị trường bất động sản, nhất là đối với một số doanh nghiệp dư tiền sau khi thành công với đầu tư tài chính từ những năm trước đó. Trong số này có thể kể đến Kinh Đô, Mai Linh, Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh, Giấy Vĩnh Tiến... Thế nhưng, thị trường bất động sản ảm đạm kéo dài đã khiến cho không ít doanh nghiệp gặp khó khăn. Do đó, việc rút lui (một phần hay toàn bộ) là chuyện không thể tránh khỏi. Đã có doanh nghiệp bắt đầu tiếp bước Hoa Sen là Sacom, một công ty hoạt động trong lĩnh vực cáp.

Năm 2009 đánh dấu sự tham gia của Sacom trong lĩnh vực bất động sản với 3 dự án lớn gồm Giai Việt (quận 8, TP.HCM), SamLand River View (quận Bình Thạnh, TP.HCM) và khu du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn tại hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt.

Sacom từng khẳng định sẽ tiếp tục kiên trì với lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, trong kế hoạch kinh doanh trình Đại hội cổ đông thường niên năm 2012, Hội đồng Quản trị Sacom đã dự tính chuyển nhượng khu đất tại 475/1 Điện Biên Phủ, TP.HCM và nhất trí giao cho Ban điều hành thực hiện và báo cáo kết quả chuyển nhượng.

Do vốn đầu tư các dự án bất động sản chủ yếu đến từ nguồn vốn thặng dư (tức ít chịu áp lực lãi vay) nên năm 2011, tỉ lệ nợ/tổng tài sản của Sacom chỉ là 10%. Trong khi đó, việc chuyển nhượng dự án trong lúc này là không hề dễ dàng và khó có được giá tốt. Những điều này cho thấy việc muốn chuyển nhượng dự án tại đường Điện Biên Phủ có thể là do Công ty đã quá ngán ngẩm với bất động sản.

Năm 2012, thị trường bất động sản sẽ còn nhiều khó khăn. Vì thế, xu hướng mua bán và sáp nhập trong lĩnh vực này được dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ. Câu chuyện của Hoa Sen hay Sacom có thể chỉ là bước đầu của quá trình rút lui khỏi bất động sản và quay lại với lĩnh vực cốt lõi của các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Nguyễn Hùng (NCĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.