Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn nữa là thông tin năng lực sản xuất xi măng sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. Theo quy hoạch, đến 2020 ngành xi măng Việt Nam sẽ có công suất 130 triệu tấn và trở thành một trong ba quốc gia sản xuất xi măng lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Thực trạng này khiến ngành xi măng hiện rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nhất là những doanh nghiệp đang xây dựng nhà máy dở dang, bởi hầu hết các doanh nghiệp đầu tư nhà máy xi măng từ nguồn vốn vay với lãi suất “chót vót” 19-21,5%/năm. Do đó, tình trạng dư thừa xi măng hiện nay khiến những doanh nghiệp này đều tiềm ẩn nguy cơ phá sản.
Tổng Công ty Xi măng (Vicem) cho biết, trong 7 dự án đã đưa vào sản xuất trong năm 2011 thì các doanh nghiệp có thể phải trả khoản nợ khoảng 3.200 tỷ đồng, tương đương mức vốn đầu tư mới một nhà máy xi măng lớn. Đơn cử, có công ty xi măng gia nhập thị trường cuối 2010 nhưng chưa đầy 1 năm hoạt động đã lỗ 141 tỷ đồng và không có khả năng trả nợ vốn vay đầu tư.
Với thực trạng của ngành xi măng hiện nay, thiết nghĩ rất cần các nhà quản lý phải lưu tâm bởi đã đến lúc cần rà soát lại quy hoạch phát triển các dự án xi măng so với thực tế và đưa ra những quyết sách kịp thời, để ngăn chặn tình trạng “đông cứng” của các dự án xi măng.