Cụ thể, hơn 55% sản lượng tiêu thụ xi măng của Việt Nam phụ thuộc vào ngành bất động sản. Do đó, việc thị trường này gặp khó khăn sẽ gây áp lực mạnh lên sản lượng tiêu thụ xi măng của toàn ngành.
Tiêu thụ nội địa đi ngang
Thông tin từ Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, nhu cầu tiêu thụ xi măng từ nửa cuối năm 2022 có xu hướng chững lại do nhu cầu xây mới và sửa chữa nhà cửa, công trình… ở mức thấp.
Thị trường bất động sản vẫn còn trầm lắng khiến mức tiêu thụ xi măng nội địa tiếp tục đi ngang trong năm 2023
Trong báo cáo ngành xi măng mới đây, Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng nhu cầu trong nước yếu đi là bởi vì chu kỳ đi xuống của thị trường bất động sản kể từ quý 2.2022. Theo số liệu của VNCA, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng tại thị trường trong nước trong năm 2022 đạt 62,68 triệu tấn, gần tương đương so với năm 2021.
Trên thực tế, mặc dù Chính phủ đã vào cuộc đồng hành để gỡ vướng cho doanh nghiệp bất động sản từ cuối năm 2022, nhưng đến nay thị trường này vẫn đang chìm trong khó khăn.
Năm 2023, thị trường bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó, khi dòng vốn vẫn chưa được khơi thông, tâm lý người mua nhà đang thận trọng… khiến nhiều doanh nghiệp không dám đẩy mạnh đầu tư dự án mới, mà chọn tập trung khai thác các dự án hiện hữu, giãn tiến độ xây dựng.
Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) dự kiến nhu cầu tiêu thụ xi măng toàn ngành trong năm 2023 sẽ đạt khoảng 100-105 triệu tấn (dự kiến tăng 7-10% so với năm 2022). Trong đó tiêu thụ nội địa ở mức 60-65 triệu tấn và xuất khẩu đạt 35-40 triệu tấn.
Đưa ra đánh giá triển vọng năm 2023, Chứng khoán SSI cũng dự báo mức tiêu thụ xi măng trong nước sẽ đi ngang so với năm 2022 bởi thị trường bất động sản vẫn còn suy yếu. Ngoài ra, còn khó khăn từ nội tại ngành khi nguồn cung xi măng vượt cao so với nhu cầu (trong năm 2023 tiếp tục có một số dây chuyền sản xuất xi măng mới đi vào hoạt động đưa nguồn cung xi măng lên khoảng 120,7 triệu tấn.
Tuy nhiên, một điểm tích cực chính là kế hoạch đầu tư công trong năm 2023 ước tính cũng sẽ tăng 25% so với năm 2022 về giá trị sẽ là động lực hỗ trợ tiêu thụ xi măng ở trong nước.
Thời gian tới, các doanh nghiệp xi măng đang trông chờ tín hiệu từ sự phục hồi và phát triển thị trường bất động sản với một loạt giải pháp đang được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tập trung thực hiện nhằm phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
Xuất khẩu có thể phục hồi từ nửa cuối năm 2023
Bên cạnh sự suy giảm nhu cầu bất động sản, các doanh nghiệp xi măng còn tiếp tục chịu áp lực từ thị trường xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu xi măng và clinker trong năm qua ghi nhận sụt giảm rất mạnh so với thực hiện của năm ngoái.
Thị trường xuất khẩu xi măng có thể phục hồi từ nửa cuối năm 2023 do Trung Quốc mở cửa trở lại
Dù trong tháng 12.2022, tình hình xuất khẩu xi măng và clinker tại các thị trường truyền thống như Đài Loan, Bangladesh, Malaysia… đã được cải thiện đáng kể nhưng chưa thể bù đắp được mức giảm của nhiều tháng trước đó.
Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu xi măng lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, do nhu cầu xây dựng yếu đi tại Trung Quốc, xuất khẩu xi măng của Việt Nam sang thị trường này giảm đáng kể.
Cùng với đó, các nước nhập khẩu xi măng, clinker tiếp tục thực hiện nhiều chính sách bảo hộ sản xuất xi măng trong nước, áp dụng hàng rào kỹ thuật thương mại, giá cước vận chuyển cao gây khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, tổng lượng xuất khẩu xi măng, clinker trong năm 2022 chỉ đạt 31,7 triệu tấn, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
SSI cho rằng, thị trường xuất khẩu cũng có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2023 nhờ vào việc Trung Quốc mở cửa trở lại. Điều này cũng có thể giúp giảm áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp miền Bắc và miền Trung của Việt Nam.
Cũng ngay trong quý 4.2022, bộ phận phân tích của SSI cũng đã nhận thấy dấu hiệu phục hồi khi xuất khẩu xi măng tăng 32% so với quý trước. Mặc dù vậy thì kênh tiêu thụ này vẫn thể có thể chịu ảnh hưởng từ việc tăng thuế xuất khẩu clinker từ 5% lên mức 10% từ ngày 1.1.2023 nhằm hạn chế xuất khẩu khoáng sản, theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP.
Khi thuế, phí nhiều lên, giá xuất khẩu sẽ đắt đỏ hơn, nên các quốc gia nhập khẩu càng phải tính toán nhiều hơn để lựa chọn nhập khẩu từ quốc gia nào có lợi nhất.
Với việc kênh xuất khẩu chỉ có thể phục hồi từ nửa cuối năm 2023 cùng mức tiêu thụ nội địa dự báo tiếp tục đi ngang, các yếu tố này có thể khiến cạnh tranh tiêu thụ trong ngành xi măng vẫn tiếp diễn theo chiều gay gắt trong thời gian tới.
-
Nút thắt của ngành xi măng trong năm 2023
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tiếp tục đi ngang, thị trường xuất khẩu chỉ có thể phục hồi từ nửa cuối năm 2023. Việc giá than được điều chỉnh giảm có thể giúp lợi nhuận của các doanh nghiệp xi măng phục hồi từ 50-90% trong năm nay.
-
Triển vọng ngành xi măng cuối năm 2024: Tín hiệu phục hồi nhờ hưởng lợi từ loạt dự án trọng điểm phía Nam
Ngành xi măng đang cho thấy dấu hiệu phục hồi sau thời gian dài đối mặt với nhiều khó khăn. Động lực tăng trưởng đến từ sự cải thiện trong nhu cầu nội địa và các biện pháp tiết giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng dư cung và ...
-
Khoản đầu tư hơn 3.000 tỷ của công ty xi măng lớn nhất Việt Nam nguy cơ mất vốn
Theo Thanh tra Bộ Tài chính, khoản đầu tư của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam vào một số công ty tiềm ẩn rủi ro mất vốn, khi phải trích lập dự phòng hơn 3.000 tỷ đồng.
-
Kinh doanh thua lỗ, Xi măng Bỉm Sơn nêu biện pháp khắc phục cổ phiếu bị cảnh cáo
Với việc thua lỗ thêm 25 tỷ đồng trong quý 3/2024, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Xi măng Bỉm Sơn tính đến ngày 30/9 là âm 245 tỷ đồng.