Một vốn bốn lời?
Tôi về thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) - địa phương nằm trong diện giải phóng mặt bằng (GPMB) dành đất cho nhà máy Nhiệt điện do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư. Thôn Vinh Sơn nằm ngay dưới chân núi, phía trước mặt là công trường đang thi công san lấp mặt bằng cho nhà máy Nhiệt điện.
Theo kế hoạch, toàn bộ thôn Vinh Sơn sẽ phải di dời để đơn vị san lấp hoàn thành mặt bằng, kịp khởi công xây dựng nhà máy vào tháng 7 tới. Thay vì thu dọn di dời thì người dân Vinh Sơn lại ồ ạt bê tông hóa những khoảnh đất trống lâu nay để hoang. Họ xây nhà, chuồng trại, ao cá, đường đi lối lại, sân vườn...
Một "cò" tên Vinh chừng 40 tuổi (người bản địa) tiếp thị với tôi: "Ở đây có 2 cách cho anh chọn: có thể mua đứt bán đoạn với chủ đất để xây nhà với giá 200 triệu đồng/100m2; hoặc người có đất, người có tiền chung nhau sau này chia lời tiền đền bù".
Tôi ra vẻ chần chừ cho rằng, giá đất như thế là đắt và nghi ngại sợ sau này Nhà nước không đền bù, Vinh quả quyết: "Ông yên tâm đi, cả làng, cả xã này xây chứ có phải một đôi nhà mô mà sợ. Các doanh nghiệp về đây mua đất xây nhà đầy ra đó, họ đủ khôn để biết có được đền bù hay không”.
Hàng trăm ngôi nhà mọc lên như nấm sau mưa
Để chứng minh, Vinh dắt tôi vào một khu nhà mới xây, chưa hoàn thiện. Nói là nhà nhưng thực chất người ta thiết kế như những kho chứa hàng nằm san sát nhau và được xây dựng rất sơ sài. Chủ của khu nhà là người phụ nữ chừng 50 tên Sáng. Bà Sáng cho biết: Gia đình bà đã vay mượn để xây 8 đơn nguyên trên 1.600m2. Theo cách tính của bà Sáng thì gia đình bà bỏ ra khoảng trên 300 triệu đồng xây nhà nhưng khi đền bù có thể thu về hơn 2 tỉ đồng, chưa tính tiền đền bù đất.
Theo bà Sáng, ở Vinh Sơn nhà nào cũng vay mượn tiền để xây dựng chờ đền bù. Diện tích ít ỏi còn lại là do các chủ đất hết nguồn huy động vốn, hoặc đất không có sổ đỏ nên người ta sợ không dám đầu tư.
Ngoài tầm kiểm soát
Theo thống kê của UBND huyện Quảng Trạch, số nhà xây dựng vi phạm ở xã Quảng Đông tập trung ở 3 thôn là Vĩnh Sơn, Thọ Sơn và 19 -5, với 76 hộ có đất tham gia. Trong đó có một số doanh nghiệp bằng hình thức mua đất hoặc hùn vốn với dân địa phương để xây dựng các công trình trên đất nằm trong diện giải tỏa. Công trình vi phạm, mỗi đơn nguyên có diện tích từ 300m2 đến 1.200m2 và không ít hộ gia đình xây dựng cả chục đơn nguyên như thế trên phần đất chuẩn bị giải tỏa.
Ông Đậu Minh Ngọc - Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết: huyện đang rốt ráo xử lí, ngăn chặn. "Vừa rồi họ lợi dụng 3 ngày nghỉ giỗ tổ Hùng Vương để lén lút xây dựng. Huyện đã chỉ đạo xã Quảng Đông về lập biên bản, xử phạt hành chính những hộ vi phạm và yêu cầu các hộ dân dừng ngay. Chúng tôi cương quyết không đền bù những hộ vi phạm" - ông Ngọc nói.
Ông Võ Viết Vầy - Bí thư Đảng ủy xã Quảng Đông thừa nhận, dù có chỉ đạo của huyện nhưng chính quyền địa phương không kiểm soát được tình hình. Lập biên bản có, giải thích vận động có nhưng dân vẫn ồ ạt xây dựng.
Cả ông Ngọc và ông Vầy đều cho rằng, việc rót tiền nhỏ giọt của Tập đoàn Dầu khí VN khiến việc đền bù, GPMB gặp khó khăn. "Không đủ tiền buộc chúng tôi phải chia ra di dời dân nhiều đợt mà không thể làm đồng loạt cùng lúc khiến tình hình càng thêm rối. Hộ đi trước thắc mắc hộ đi sau được lợi hơn, người chưa đi thì lợi dụng chưa có quyết định thu hồi đất để làm liều" - ông Ngọc nói.
Người đi trước, kẻ đi sau dẫn đến thiếu công bằng. Hộ dân di dời trước chỉ được cấp 250m2 đất ở, những hộ di dời sau lại được cấp 500m2 đất ở. Rồi giá đền bù đất, các tài sản trên đất cũng cao hơn trước khiến các hộ dân đi rồi không đồng tình, dẫn đến khiếu kiện. Chỉ còn chưa đến 3 tháng nữa là khởi công nhà máy nhưng việc xây dựng khu tái định cư mới để tiếp tục di dân thì vẫn chưa được khởi động.