18/10/2014 7:54 AM
Xây một căn nhà khiến người ta có thể sụt cân, nám da mặt, lo lắng tới mức bạc tóc và rất nhiều chuyện tổn hại cả tinh thần lẫn vật chất. “Hãy chọn giá đúng” là sự lựa chọn khó khăn vô cùng khi ai cũng ráng để căn nhà được đẹp nhất trong mắt… người khác!

1 Khi gia đình anh Tùng chuẩn bị khởi công xây nhà, thì xảy ra chuyện vợ chồng cãi cọ, lục đục. Người nhà tôi rất có kinh nghiệm việc này, được giao nhiệm vụ mời vợ chồng anh đi cà phê giảng hòa.

Câu chuyện đầu tiên được kể cho hai người đang nóng giận tưng bừng ấy, là việc một cặp khác vừa đệ đơn ly hôn vào đúng thời điểm căn nhà được chủ thầu bàn giao.

Trong suốt thời gian xây dựng và hoàn thiện, vợ chồng nhà kia ngập chìm trong sự mâu thuẫn. Cứ ông thích màu gạch này, thì bà khoái màu gạch kia. Ông thích nhà bếp kiểu này, thì bà mê nhà bếp kiểu khác. Chưa kể các loại vườn tược, bồn tắm nằm hay đứng, lavabo thủy tinh hay bằng sứ. Và hàng tỷ thứ khác lắt nhắt li nhi trong căn nhà mới.

Không tìm được tiếng nói chung, vào đúng ngày lẽ ra mời bạn bè, thuê đội múa lân về để ăn tân gia, thì cả vợ lẫn chồng mặt nặng mày nhẹ như gặp phải sự cố gì đó nghiêm trọng nhất trong đời, cuối cùng quyết định đồng thuận ký vào đơn ly dị.

Nghe xong câu chuyện, vợ chồng anh Tùng liếc mắt nhìn nhau. Vợ anh Tùng kể, chị không muốn xây tầng hầm, bởi việc xử lý tầng hầm rất rắc rối, phức tạp, tự nhiên “ngốn” mất của chị cả trăm triệu đồng, chưa kể tiền “chạy” để có tầng hầm, vì ở vị trí đó, dự án đó, người ta không cho thực hiện công việc này. Đó là chưa nhắc tới việc nhà bên cạnh có thể bị lún, nứt do việc đào hầm, dẫn tới mất tình đoàn kết, thậm chí kiện cáo nhau. Nhẹ hơn, thì phải bồi thường hoặc sửa chữa nhà người ta, vô cùng phức tạp.

Còn anh Tùng thì có lý luận của riêng mình. Nhà ngoài phố, biết để xe ở đâu nếu không có tầng hầm! Nhà có 5 xe, trong đó, xe hơi dù là loại nhỏ, cũng vẫn phải tính là xe hơi; 2 chiếc xe gắn máy và xe đạp, xe hơi đồ chơi của cậu con trai. Thử hỏi, vừa bước xuống nhà thấy đầy cả xe, đã ngốt mắt lắm rồi. Chưa kể tới việc mùi xăng xe ngập khắp nhà không chạy đâu thoát, khiến ăn ngủ chẳng ngon. Vợ chồng anh còn đang có ý định cho thuê mặt bằng dưới nhà để có thêm khoản tiền chợ mỗi tháng, hơn nữa, cũng có người coi nhà, khỏi bị người ta để ý cắt khóa trộm cắp. Không làm hầm, thì sao mà đáp ứng được từng đó nhu cầu?

Thấy ai nói cũng có lý, rất khó để giảng hòa. Vậy thì hoặc bỏ thêm tiền ra làm hầm, hoặc là không! Mỗi sự chọn lựa đều có giá phải trả. Làm sao có thể đòi hỏi sự toàn mỹ, dù cho có xây lâu đài lộng lẫy và xa hoa! Vợ chồng anh Tùng không đồng ý với lời khuyên… ba phải ấy. Họ vẫn mang nguyên sự ấm ức ra về. Chưa biết khi nào mới thôi cuộc chiến YES or NO này!

2 Không tranh cãi về phần thô của căn nhà, thì người ta có nhiều việc để chẳng đồng ý nhau, khi làm nội thất. Trong bản vẽ 2D của nhà anh Trung, kiến trúc sư đã ghi rất cụ thể và tỉ mỉ về việc đồ gỗ trong nhà là HDF - loại gỗ công nghiệp, được phủ lớp bột gỗ bên ngoài. Nhưng vì nghe lời người thợ đóng đồ “nhà anh được thiết kế sang trọng thế này, làm gỗ thật mới xứng tầm.

Ai lại xài HDF, chẳng đúng đẳng cấp chút nào”, thì anh Trung lại thay đổi. Anh tặc lưỡi: “Cả đời mới làm nhà một lần và nên làm đồ xịn, khỏi cần sau này thay đổi gì nữa”.

Vì vậy, mà số tiền phát sinh gấp mấy lần dự trù. Mà các vật dụng bằng gỗ thật thì đương nhiên các loại cửa cũng phải bằng gỗ thật, chứ chẳng lẽ lại kém cạnh! Và đồ đặt trên đó cũng phải tương xứng, không lẽ là đồ rẻ tiền!

Cứ vậy, mặc cho vợ can ngăn và khóc cạn nước mắt, anh Trung vẫn quyết tâm cho bằng anh, bằng em. Sự cố gắng của anh đã được đền đáp. Nhà cửa từ trên xuống dưới chỉ toàn gỗ là gỗ, ai vào cũng tấm tắc khen ông chủ biết xài đồ. Nhưng tiền bạc thì nợ chồng chất, vay ngân hàng, dù lãi suất có hạ hơn năm trước, nhưng cũng vẫn lãi mẹ đẻ lãi con. Chỉ trong vòng 6 tháng sau khi hoàn tất căn nhà, anh Trung hốc hác thấy rõ.

Chị vợ vừa xót chồng, vừa xót tiền, nói ra nói vào miết, khiến anh nổi cáu. Không biết vin vào đâu để giải tỏa, cứ mỗi khi tan làm, anh Trung chẳng về nhà, đi la cà nhậu nhẹt với đám bạn tới khi liêng biêng mới chịu. Căn nhà không được sự chăm sóc của ông bà chủ, xuống cấp nhanh chóng.Đau nhất là vì không xử lý mối mọt kỹ càng từ khi đóng cọc xây nền, đám đồ gỗ thật đã bị mối ăn vẹm từng góc. Lại thêm vài triệu đồng để bắt mối và nhiều khoản khác sửa chữa, khiến tình cảnh mỗi ngày thêm rối như canh hẹ.

Có câu nói rất hay của người xưa, tôi nghĩ, cần vô cùng cho việc xây căn nhà: “Liệu cơm gắp mắm”. Cơm ít mà chan mắm mặn, sao có thể ăn nổi đây. Chưa kể tốn thêm rất nhiều chai nước lọc để giải tỏa cho cơn khát “cố tình”. Nên tham khảo kỹ càng và tuân thủ nghiêm ngặt theo bản vẽ của kiến trúc sư, để tránh phát sinh chi phí. Nếu có điều gì khác biệt, cần trao đổi lại với người thiết kế. Đừng để rơi vào tình cảnh ‘cố quá”, chẳng bao lâu sau, có thể sẽ thành “quá cố”!

Đinh Thu Hiền (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.