Đất đai là nguyên liệu sản xuất quan trọng của con người, nên công tác xây dựng quy hoạch sử dụng đất đai được ví như để khai vỡ mảnh đất, giúp thực hiện định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong một giai đoạn. Trên góc độ này, trong nội dung quy hoạch sử dụng, ngoài việc xác định chính xác diện tích các loại đất sẽ được phát triển trong thời gian tới, thì cần đưa ra giải pháp triển khai khả thi hơn.
Xây dựng quy hoạch sử dụng đất phải chú ý cách thức triển khai

Theo Luật Đất đai năm 2003, quy hoạch sử dụng đất được xây dựng dựa trên Chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước; quy hoạch phát triển của các ngành và các địa phương; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn; điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và nhu cầu của thị trường; hiện trạng sử dụng đất và nhu cầu sử dụng đất; định mức sử dụng đất; tiến bộ khoa học và công nghệ có liên quan đến việc sử dụng đất; kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất kỳ trước. Nội dung quy hoạch phải xác định phương hướng, mục tiêu sử dụng đất trong kỳ quy hoạch; diện tích các loại đất phân bổ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; giải pháp triển khai quy hoạch…


Trong khi đó, Chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020 đã xác định rõ, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt quá trình này. Bên cạnh đó, phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau… Như vậy, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải chia tỷ lệ đất công nghiệp, đất nông nghiệp, đất rừng, đất phi nông nghiệp… hợp lý để vừa đáp ứng nhu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng trưởng nhanh, vừa phát triển bền vững. Đặc biệt là để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững thì không chỉ chú ý đến vấn đề môi trường, kinh tế, mà cần quan tâm đến tác động xã hội từ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.


Thực tế, tình trạng tai nạn, ùn tắc giao thông là do các bản quy hoạch đều không đề cập hoặc chưa dành quan tâm thích đáng đến đất dành cho giao thông. Vì thế, công trình hạ tầng giao thông không đáp ứng được nhu cầu lưu chuyển khi vẫn nhỏ hẹp, trong khi các công trình được xây mới, mở rộng nhanh. Và do hối thúc của lợi ích địa phương, nhiều diện tích đất bờ xôi ruộng mật đã bị chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác. Người nông dân tại những khu vực này không còn tư liệu sản xuất, nhưng chính khu công nghiệp lại bỏ hoang, chậm hoàn thiện hạ tầng. Do đó, nhiều ĐBQH kiến nghị trong quá trình chuyển đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp phải kiên quyết thực hiện nguyên tắc nhà đầu tư, chủ dự án phải giải quyết được bài toán sau thu hồi đất, bao nhiêu nông dân bị ảnh hưởng và cuộc sống của họ giải quyết ra sao? Nếu không giải quyết được cuộc sống bền vững cho dân thì kiên quyết không giao đất. Bởi nếu thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu ở khu vực nông thôn chỉ bằng đưa tiền cho nông dân để chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thì tạo nhiều hệ lụy với xã hội. Người nông dân không có phương tiện kiếm sống thì tất sẽ phát sinh tệ nạn xã hội, hay tình trạng ly nông, ly hương hiện nay.


Một điểm khác cần chú ý là quy hoạch được xây dựng dựa trên hiện trạng và tình hình thực hiện quy hoạch trong kỳ trước. Dựa trên căn cứ này thì quy hoạch phải chú ý đến tình trạng do để giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, địa phương phải căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nên một số chính quyền địa phương, doanh nghiệp khi xác định nhu cầu sử dụng đất để lập quy hoạch, kế hoạch đã đưa ra những con số không phản ánh nhu cầu thực tế mà là các con số đăng ký để giữ chỗ, lấy phần dẫn đến tình trạng quy hoạch và kế hoạch không sát thực tế, quy hoạch treo. Trong số 267 khu công nghiệp, có 177 khu đã đi vào hoạt động và tỷ lệ lấp đầy của các khu này đạt 76%. Hiện cả nước có 15 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích là 662.249ha, 28 khu kinh tế cửa khẩu với diện tích 500.000 ha. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, tỷ lệ sử dụng đất đạt khoảng 15%. Đến nay, cả nước có 160 cảng biển (54 cảng lớn) và 23 cảng hàng không dân dụng; 59 dự án sân golf đã được giao đất, cho thuê đất với diện tích 15,6 nghìn ha (trong đó 40% diện tích đất làm sân golf, 60% đất làm du lịch sinh thái, trung tâm thương mại và đất ở.


Trước thực tế này, nhiều ĐBQH đã băn khoăn với định hướng quy hoạch đến năm 2015 tăng lên 150.000ha và đến năm 2020 là 200.000ha. Rõ ràng, quy hoạch đất phải đi trước một bước, đón đường, hay nói đúng hơn là dọn đường để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa. Nhưng với tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp thấp như hiện nay, thì không thể yên tâm với việc hoàn thành hay không hoàn thành các định mức sử dụng đất. Bởi nếu sử dụng đất không hiệu quả sẽ là sự lãng phí lớn nguồn tài nguyên không tái tạo được này. Và theo tính toán của ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), phải mất 50 năm nữa chúng ta mới có thể lấp đầy được các khu công nghiệp hiện tại. Do đó, nếu không tính toán kỹ chỉ tiêu này, dễ dẫn đến tùy tiện trong việc mở các khu công nghiệp và dẫn đến quy hoạch treo.


Triển khai thực hiện Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ, ngành. Do đó, nội dung quy hoạch sử dụng đất đai phải chú ý đến các giải pháp để khắc phục những hạn chế đã nêu trên. Nội dung quy hoạch sử dụng đất phải chú ý xác định các giải pháp thực hiện khả thi hơn. Đặc biệt là bổ sung cách thức xác định trách nhiệm cụ thể của từng cấp khi không thực hiện đúng định hướng của quy hoạch.

Theo Lê Bình (Đại Biểu Nhân Dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.