23/12/2016 9:51 AM
Xây dựng nhà tái định cư là thực hiện chủ trương đi trước một bước trong giải phóng mặt bằng các dự án. Để an cư lạc nghiệp, thành phố đều yêu cầu các chủ đầu tư bảo đảm chất lượng nơi ở mới phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, câu chuyện này xem ra vẫn còn dang dở.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, đến nay, trên địa bàn thành phố có 173 tòa nhà tái định cư với 15.210 căn hộ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, với 3 đơn vị quản lý gồm: Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội (quản lý 147 tòa nhà); Tổng công ty đầu tư phát triển nhà Hà Nội (quản lý 18 tòa); Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở (quản lý 8 tòa).
Tuy nhiên, hiện chỉ có 23/173 tòa nhà chung cư thành lập được Ban quản trị. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến việc quản lý nhà tái định cư gặp nhiều bất cập. Trong những năm qua, luôn xảy ra nhiều mâu thuẫn khó tìm được tiếng nói chung giữa cơ quan quản lý và cư dân. Mẫu thuần chủ yếu xuất phát từ hai vấn đề: quản lý và chất lượng.
Về chất lượng thì chắc không phải bàn nhiều, bởi không ít tòa nhà tái định cư đưa vào sử dụng chưa được bao lâu đã xuống cấp. Trên địa bàn quận Hoàng Mai, khu tái định cư Đền Lừ 2 được đưa vào sử dụng năm 2006 và chỉ sau 10 năm, các tòa nhà đều đã xuống cấp.
Khu tái định cư Đồng Tàu cũng trong tình trạng tương tự. Đêm 12-8-2016, cư dân cả tòa nhà N5 hốt hoảng khi phát hiện nền sảnh tầng 1 bị sập lún. Hai ngày sau, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội xuống hiện trường kiểm tra, yêu cầu các đơn vị chức năng khắc phục sự cố ngay trong sáng 15-8... Đó chỉ là một trong rất nhiều sự cố xảy ra đối với các khu tái định cư.
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về tổ chức, quản lý, vận hành nhà chung cư tái định cư trên địa bàn thành phố Hà Nội” mới đây, do Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập hạn chế trong việc thực hiện cơ chế chính sách của các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.
Đại diện cho cư dân chung cư C10, Xuân La (Tây Hồ), bà Vũ Thị Nâm cho biết, người dân đã chuyển về sinh sống tại tòa nhà được hơn 11 năm nhưng đến nay vẫn chưa thành lập được Ban quản trị. Theo lý giải của bà Nâm, ngoài việc đơn vị quản lý, chính quyền địa phương chưa sâu sát, thì việc thiếu minh bạch trong việc sử dụng phí bảo trì 2% khiến quy định này gặp nhiều khó khăn.
Với góc độ quản lý, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội Nguyễn Tử Quang cho biết, từ khi đơn vị được bàn giao tiếp nhận lại quản lý 18 tòa nhà tái định cư, trong đó phần lớn các tòa đã hết quỹ bảo trì 2%. Để duy trì hoạt động của tòa nhà, từ lúc đơn vị tiếp nhận quản lý theo yêu cầu của thành phố, đơn vị đã phải bù lỗ hơn 20 tỷ đồng.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, đến nay, cơ quan quản lý vẫn chưa quan tâm đúng mức tới nhà tái định cư. Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thẳng thắn: Ngay tại tòa nhà tôi ở, cũng đã tiến hành họp Hội nghị cư dân nhưng phía công ty nhà không cử đại diện xuống họp cùng.
Như vậy, khi họp xong gửi kết quả lên cũng không hợp lệ. Chính việc thiếu trách nhiệm của đơn vị quản lý tòa nhà đã khiến tất cả những nỗ lực của chính quyền địa phương và dân cư để thành lập Ban quản trị đổ xuống sông, xuống biển.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều giải pháp được đưa ra, có những vấn đề đã được luật hóa, nhưng quan trọng hơn, điều cư dân đang mong muốn là, cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế, chính sách rõ ràng. Ban quản lý tòa nhà phải hoạt động hiệu quả để người dân có thể tin cậy và giao cho đơn vị này giữ kinh phí duy tu, bảo dưỡng tòa nhà, chứ không thể để các khu tái định cư rơi vào tình trạng tự quản, hoặc có Ban quản lý cũng như… không.
Nguyên Đào (Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.