Để thực hiện một dự án phát triển nhà ở, chủ đầu tư phải trải qua hàng loạt thủ tục hành chính phức tạp, nhiêu khê...
Thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng còn khá phức tạp
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập quốc tế thì đây là một trở ngại cho sự phát triển của các doanh nghiệp, kéo theo giá nhà đội lên, người mua phải gánh chịu.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, để thực hiện một dự án phát triển nhà ở, chủ đầu tư phải làm đủ các loại thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà từ xin chủ trương đầu tư, thỏa thuận quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thẩm duyệt thiết kế cơ sở, xin giấy phép xây dựng, xác định giá đất và nộp tiền sử dụng đất, xin giấy chứng nhận công trình đủ điều kiện đưa vào sử dụng, thông báo với Sở Xây dựng trước khi bán nhà...
Nhiều dự án có thời gian chuẩn bị đầu tư xây dựng lên tới vài năm, dự án nào nhanh thì cũng phải mất ít nhất 1 năm. Từ năm 2006 đến nay, qua mỗi thời kỳ thì thủ tục hành chính lại tăng lên chứ không giảm đi, trong khi đó chủ trương của Nhà nước là phải tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Bà Hương Trần Kiều Dung – Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC nêu thực tế:
“Theo thống kê của Viện Nghiên cứu chiến lược Trung ương, năm 2015, tổng thời gian để cấp phép xây dựng ở Hà Nội mất 114 ngày nhưng đến 2016 thì tăng lên thành 166 ngày, tổng thời gian để cấp phép xây dựng tăng lên thành gần 6 tháng. Chúng tôi thấy rất mâu thuẫn vì Sở Tài nguyên và Môi trường cải cách thủ tục, giảm bớt 1 thủ tục nên dẫn đến thủ tục cấp phép xây dựng lại tăng lên và không làm song hành được việc tính giá đất với cấp phép xây dựng, trong khi 2 việc này hoàn toàn có thể làm song hành như quy định trước đây”.
Nhiều doanh nghiệp ngán ngẩm với kiểu thủ tục hành chính lòng vòng, qua hết sở, ngành này đến sở, ngành khác vẫn chưa xong. Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Công ty cổ phần GP Invest cho biết, doanh nghiệp “sợ” nhất là làm các thủ tục hành chính liên quan đến việc đầu tư xây dựng dự án với cấp quận, huyện. Chẳng hạn thủ tục xin chấp thuận đầu tư dự án phải qua hết từ các sở liên quan cho đến quận, huyện sở tại, lòng vòng có khi đến 6 tháng chưa xong.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, liên quan đến các thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở, khu đô thị, hiện có nhiều thủ tục chồng chéo, không cần thiết, vừa gây lãng phí vừa mất nhiều thời gian. Điều đó đồng nghĩa với việc chi phí đầu tư xây dựng bị đội lên, khiến doanh nghiệp phải tăng giá bán nhà để đảm bảo lợi nhuận.
Những thủ tục gây lãng phí thời gian, làm đội giá lên. 1 dự án làm trong 1 năm thì giá vốn rẻ, nhưng làm dự án 2 năm hoặc tới 3 năm thì giá vốn sẽ đội lên gấp đôi, thậm chí gấp 3. Cái đã đầu tư rồi lại phải chờ đợi. Rõ ràng sẽ vào giá thành, như vậy thì sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng kém đi. Nếu chúng ta không kiên quyết bỏ những thủ tục rườm rà, trùng lặp trong quá trình làm dự án thì tác hại rất lớn, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam kém đi, giá thành đội lên thì người dân lại phải gánh chịu.
Giá bán căn hộ phụ thuộc vào giá đất, giá vật liệu, giá nhân công và cả lãi vay ngân hàng. Theo tính toán, nếu doanh nghiệp chỉ mất thời gian một năm để làm thủ tục thì các chi phí về điều hành, về lãi vay và các chi phí khác chiếm khoảng 5% giá thành. Nếu mất thời gian 2 năm để làm thủ tục thì chi phí chiếm 10% giá thành, và chi phí sẽ càng tăng nếu thời gian làm thủ tục kéo dài hơn nữa. Thủ tục hành chính nhiêu khê, mất nhiều thời gian không chỉ làm khó doanh nghiệp, gây tốn kém chi phí, mà còn gián tiếp đẩy giá nhà lên cao.
Theo PGS. TS. Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nguyên nhân của tình trạng này là do yếu kém về công tác quản lý và quy hoạch. Các địa phương “ra sức” kêu gọi đầu tư nhưng lại chưa chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để doanh nghiệp có thể triển khai ngay dự án.
Thứ nhất là quy hoạch phải tốt, quy định rõ xem khu vực này được phép xây dựng ra sao, chuẩn bị mọi điều kiện cho nhà đầu tư vào. Phải công bố công khai, để nhà đầu tư tính toán thuế đất. Cơ quan quản lý nhà nước phải thực hiện nghiêm thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp… Phải tăng cường công khai quy định rõ ràng, từng khâu mất thời gian bao lâu, trách nhiệm ở những người trong từng khâu đó, nếu không đảm bảo thì sẽ chịu xử lý ra sao.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy cho biết, Bộ Xây dựng đã biết về thực tế này và có rà soát, đồng thời chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung các Luật liên quan đến đầu tư kinh doanh theo hướng rút ngắn thời gian cấp giấy phép đối với công trình xây dựng.
Bộ Xây dựng đã báo cáo với Chính phủ đề xuất ngoài các đối tượng được miễn giấy phép xây dựng như Luật xây dựng hiện hành, có thể mở rộng thêm đối với các công trình xây dựng mà đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công trong các dự án nhà ở, dự án khu đô thị. Bộ cũng đề xuất là lồng ghép 1 số thủ tục trước thủ tục cấp giấy phép xây dựng, làm đồng thời nhiều thủ tục tại cùng một thời điểm để rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư, ông Đỗ Đức Duy cho hay.
Cũng theo các chuyên gia, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nhà ở là “mảnh đất” thuận lợi cho tham nhũng, tiêu cực nảy nở, phát triển. Do đó, cải cách thủ tục hành chính và minh bạch hóa thông tin phải là hai bước được thực hiện song hành để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng như dần ổn định, giảm giá nhà. Nếu cứ cắt bớt được thủ tục này lại sinh ra vài thủ tục khác, thì rõ ràng việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng nhà ở sẽ khó đạt hiệu quả./.
Lưu Huyền (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.