Tuần qua, hàng chục ngôi nhà xây dựng không phép ở Bình Chánh bỗng chốc trở thành đống xà bần do bị cơ quan chức năng tháo dỡ. Việc một số người dân xây nhà không phép là sai, nhưng nếu không có sự buông lỏng quản lý, tiếp tay của một số cán bộ thì không thể hàng trăm, thậm chí là cả ngàn căn nhà không phép liên tục mọc lên từ tháng này qua tháng kia.

Cưỡng chế nhà xây dựng trái phép tại xã Vĩnh Lộc B (Bình Chánh). Ảnh: HỒ THU

Hàng ngàn người sống trong cảnh lo âu

Chiều 22-7, chúng tôi trở lại “điểm nóng” của việc xây dựng nhà không phép trên địa bàn huyện Bình Chánh là xã Vĩnh Lộc A, đi sâu vào những khu xóm, ấp xập xệ bên trong gặp gỡ người dân mới hiểu hết nỗi khổ của họ. Tại khu vực ấp 1, dấu tích của những căn nhà vừa bị “xúc” vẫn còn vương vãi gạch đất, đi sâu vào bên trong là hàng chục ngôi nhà xập xệ mọc lên trên ruộng lúa, đường sá lầy lội, ô nhiễm.

Anh Nguyễn Ngọc Bằng, tổ trưởng tổ 8, cho biết năm 2006 anh mua đất tại đây, lúc đó UBND xã vẫn chứng thực việc chuyển nhượng, mặc dù là đất lúa và anh chỉ chuyển nhượng có 45m² nhưng xã vẫn xác nhận là đất không có tranh chấp. Sau đó anh tự xây nhà trên đất lúa mà không cần xin phép. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người có đất (chủ yếu là đất nông nghiệp, hạn sử dụng đến năm 2015) thuê các công ty đo vẽ tự phân lô rồi đóng dấu của công ty vào. Khi ai có nhu cầu thì bên mua và bên bán tự lập hợp đồng chuyển nhượng, ký tên và lăn tay vào.

Nhiều người dân sau khi mua đất, muốn xây nhà phải chung chi thông qua một “cò” nào đó. Tùy theo diện tích mà mức chung chi từ 40 - 80 triệu đồng, thậm chí còn cao hơn nữa. “Cò” chỉ đảm bảo an toàn cho chủ nhà xây dựng trong 1 tuần, căn nào lớn thì 15 ngày sau đó không chịu trách nhiệm nữa. Thông thường chủ nhà bao tole xung quanh và thợ “núp” bên trong để xây dựng cả ngày lẫn đêm. Ở đây hầu hết là dân nghèo, hiểu biết có hạn nên thấy giấy tờ “đỏ đỏ” là yên tâm, và khi người này mua xây được người kia cũng bắt chước làm theo và đến hôm nay như đứng ngồi trên đống lửa.

Hầu hết người dân khi chúng tôi tiếp xúc đều tỏ ra rất hoang mang lo lắng khi biết thông tin huyện đang tổ chức cưỡng chế nhà xây dựng không phép trong những ngày qua. Vợ chồng anh N. quê Quảng Nam, cho biết căn nhà là tài sản rất lớn của bà con ở đây, nhiều người mua đất làm nhà mấy năm nay nhưng nợ vẫn chưa trả xong. “Nay nghe nhà nước cưỡng chế ai cũng sống trong cảnh nơm nớp lo sợ, nếu không may nhà mình bị ủi, cuộc sống cả gia đình sẽ như thế nào? Ở đâu, công việc làm ăn, chuyện học hành của con cái sẽ ra sao” - anh N. tỏ ra lo lắng. Một số người dân cho biết việc xây nhà không phép là hoàn toàn sai. Nhưng nếu chính quyền ngăn chặn ngay từ đầu hoặc công khai bảng cấm tại những khu vực đó thì chắc cũng chẳng mấy người dám xây.

Thực ra chuyện người dân xây dựng nhà không phép, sai phép không chỉ diễn ra trên địa bàn huyện Bình Chánh mà các quận, huyện khác, nhất là các quận huyện vùng ven, đều có. Nhưng số lượng nhiều và rầm rộ thì chỉ có Bình Chánh.

Trong quá trình tìm hiểu vấn đề xây dựng không phép, sai phép chúng tôi được biết có trường hợp xây dựng sai phép ở địa bàn quận Tân Phú lên đến cả ngàn mét vuông, chính quyền địa phương không dưới 3 lần có văn bản gửi Công ty Điện lực Tân Phú yêu cầu ngưng cung cấp điện nhưng chẳng hiểu sao vẫn không được chấp nhận. Phóng viên liên hệ với giám đốc Công ty Điện lực Tân Phú để tìm hiểu nguyên nhân thì nhận được câu trả lời “không biết, để kiểm tra lại”.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP chiều 22-7, ông Đoàn Nhựt, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết tính đến thời điểm này, toàn địa bàn huyện Bình Chánh có tất cả 830 trường hợp xây dựng trái phép, không phép. Đến nay có khoảng hơn 10 trường hợp người dân tự tháo dỡ, còn lại huyện xử lý 430 căn và trong những ngày tới huyện tiếp tục xử lý những trường hợp còn lại.

Ông Nhựt cho biết trong tổng số 830 trường hợp nói trên, có khoảng 67 trường hợp đủ điều kiện tồn tại đó là những nhà xây dựng sai phép, không phép nhưng phù hợp với quy hoạch thì cơ quan chức năng sẽ yêu cầu người dân bổ sung những thủ tục cần thiết để hoàn tất hồ sơ. Chúng tôi đặt câu hỏi: huyện có biết người dân sau khi bị cưỡng chế cuộc sống như thế nào? Và đến nay có “đầu nậu” hay cán bộ nào bị xử lý chưa?

Ông Nhựt cho biết huyện không rõ về cuộc sống của những người dân sau khi bị cưỡng chế nhà như thế nào nhưng không phải nhà nào bị cưỡng chế cũng có người ở. Còn việc có “đầu nậu” nào xử lý hay chưa ông cũng không rõ vì bên công an đang làm. Trách nhiệm cán bộ thì huyện ủy đang xem xét xử lý trách nhiệm cán bộ theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân. Ông Nhựt thừa nhận, nguyên nhân “cốt lõi” để gây nên hậu quả của ngày hôm nay là có sự buông lỏng quản lý của địa phương trong thời gian dài và nguyên nhân về việc giao thời sắp xếp đội ngũ thanh tra xây dựng theo quy định của Chính phủ.

Ông Phan Đức Nhạn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết NĐ 180/CP về xử lý vi phạm trật tự đô thị quy định rõ để xảy ra tình trạng xây dựng không phép, sai phép, trách nhiệm chính thuộc UBND các xã, phường, quận - huyện. Theo ông Nhạn, cần tăng cường sự giám sát của hệ thống chính trị, giám sát cộng đồng, giám sát nhân dân. Thực tế cho thấy, với sự vào cuộc của hệ thống chính trị như quận 9, quận Bình Thạnh để kiên quyết xử lý ngay sau khi phát hiện sai phạm thì các trường hợp vi phạm sẽ nhanh chóng được xử lý. Nếu để sau khi xây dựng xong, người dân vào ở thì sẽ phải kéo thời gian xử lý vì phải thực hiện theo quy trình, gây ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống người dân.

Đỗ Trà Giang (Sài Gòn giải phóng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.