Gần chục năm nay, nạn xây dựng nhà không phép ở huyện Bình Chánh, TP HCM vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức

Năm 2013, hàng trăm căn nhà xây dựng không phép ở huyện Bình Chánh, TP HCM đã bị các cơ quan chức năng kiên quyết cưỡng chế tháo dỡ. Thế nhưng, hiện nay, chỉ cần đi trên đường Thới Hòa, ấp 5A, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, ai cũng dễ dàng nhận thấy xây dựng không phép vẫn cứ nở rộ.

"Biết điều" là xây được!

Dọc đường Thới Hòa, nhiều căn nhà mới thi nhau mọc lên trên những khu đất trống. Nhìn từ xa, người đi đường khó xác định những căn nhà này xây tạm bợ hay kiên cố bởi lớp tôn bao kín xung quanh.

Đến gần và vào bên trong, chúng tôi mới thấy rõ đó là những căn nhà hoàn thiện với tường gạch, cửa sắt, nội thất kiên cố. Đáng nói là ngoài nhà đã xây, khu vực này còn có nhiều nền đất đã gia cố móng.

Cũng ở xã Vĩnh Lộc A, người đi đường không khó nhận thấy những căn nhà bên ngoài bọc tôn nhưng bên trong xây kiên cố, nằm sâu trong nhiều con hẻm ở ấp 2A, ấp 4, đường Nữ Dân Công.

Những căn nhà bên ngoài bọc tôn, bên trong xây kiên cố như thế này xuất hiện nhan nhản ở Bình Chánh Ảnh: Hồng Nhung

Tình trạng ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh cũng tương tự. Cơ quan chức năng địa phương dựng bảng thông báo nghiêm cấm phân lô, bán nền trái pháp luật và xây dựng không phép. Dù vậy, nhiều căn nhà vẫn cứ mọc lên trên đất nông nghiệp ở đường Võ Văn Vân (đoạn thuộc tổ 12, ấp 3).

Trong vai một người mua đất xây nhà, chúng tôi gặp một người đàn ông tên T. và được tư vấn: "Tuy sổ chung, tuy đất nông nghiệp nhưng cứ "biết điều" thì nhà vẫn cứ xây được. Một căn nhà cấp 4 được xây chưa đầy chục ngày là xong. Gia đình cô cứ vô tư vào ở. Ở đây ai cũng vậy…".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu muốn xây nhà, người mua đất bỏ thêm một khoản tiền khác cho chủ thầu. Chủ thầu sẽ cam đoan "bao trọn gói" xây nhà.

Một luật sư đi cùng chúng tôi cho rằng để xảy ra tình trạng mua bán đất nông nghiệp tràn lan, phân lô bán nền, xây dựng nhà không phép thì trách nhiệm đầu tiên là của chính quyền xã.

Cụ thể, xây dựng không phép trên đất nông nghiệp thuộc trường hợp vi phạm theo Nghị định 102/2014 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Chiếu theo đó, thẩm quyền xử lý thuộc chính quyền địa phương chứ không thuộc thanh tra Sở Xây dựng.

Dù Đội Thanh tra địa bàn - Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM đã thông báo cho UBND xã Vĩnh Lộc A về một số trường hợp vi phạm nhưng ông Phan Thanh Nhã, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, lại nói rằng ông không được cấp dưới báo cáo về việc này (!).

Trả lời báo chí, chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B cũng cho hay mỗi tháng, xã này có khoảng 60 trường hợp xây dựng không phép.

Theo luật sư nêu trên, lẽ ra, các trường hợp xây dựng không phép phải bị cưỡng chế tháo dỡ. Nhưng hầu như những căn nhà không phép ở Bình Chánh xây khoảng 2-3 năm trở lại đây vẫn tồn tại dù ai cũng biết là không phép!

Kiến nghị sớm điều chỉnh quy hoạch

Theo thống kê, xã Vĩnh Lộc B có diện tích hơn 1.700 ha nhưng diện tích đất ở hiện hữu chỉ khoảng 137 ha, còn lại là đất nông nghiệp và đất dân cư xây mới.

Xã Vĩnh Lộc A có diện tích tự nhiên gần 2.000 ha, trong đó gần 66 ha có chức năng đất ở đô thị hiện hữu - chưa tới 5% tổng quỹ đất; 102 ha có chức năng đất dân cư xây mới.

Có thể vì thế mà trong cuộc họp với UBND TP mới đây, ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, thừa nhận nhu cầu về nhà ở càng ngày càng cao trong khi quỹ đất không thể đáp ứng.

Việc phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp vẫn công khai diễn ra ở huyện Bình Chánh Ảnh: Hồng Nhung

Phân tích cụ thể hơn, ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết Bình Chánh tuy là huyện ngoại thành nhưng lại tiếp giáp với các quận - huyện đô thị hóa cao nên tốc độ tăng dân số cũng khá nhanh.

Toàn huyện có khoảng 686.837 người với 180.122 hộ, phần lớn là dân lao động từ tỉnh, thành khác đến sống theo dạng gia đình (trung bình 3 người/hộ).

Họ có mức thu nhập trung bình, chủ yếu thuê ở trọ, không có nhiều khả năng để mua nhà ở hợp pháp do giá cao nên thường mua bán đất nông nghiệp theo hình thức giấy tay do giá rẻ, từ đó dẫn đến tình trạng sử dụng đất sai mục đích, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Huyện Bình Chánh đã chỉ đạo UBND các xã tập trung xử lý dứt điểm, khắc phục triệt để các trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng; yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức địa chính, xây dựng, trật tự đô thị tăng cường tuần tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ tình hình quản lý, sử dụng đất, trật tự xây dựng trên địa bàn theo phân công, kiên quyết xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm…

"Ngoài ra, UBND huyện tiếp tục rà soát các dự án chậm triển khai và báo cáo, xin ý kiến của UBND TP cho chấm dứt hiệu lực đối với các dự án này nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất bị ảnh hưởng" - ông Tài nhấn mạnh.

Bên cạnh việc mạnh tay xử lý, ông Tài cho hay UBND huyện Bình Chánh còn kiến nghị UBND TP có chủ trương cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở riêng lẻ, cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ đối với người dân có nhà, đất ở hợp pháp tại các khu vực quy hoạch chức năng đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới trong thời gian chưa có các dự án đầu tư xây dựng nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Bình Chánh cũng kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP thẩm định, trình UBND TP phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) của huyện.

Liên quan đến vấn đề này, theo tìm hiểu của chúng tôi, UBND TP HCM đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP nghiên cứu các quy định hiện hành liên quan và nhu cầu thực tế sử dụng đất tại địa phương để tham mưu chuyển đổi chức năng quy hoạch sử dụng đất, lập quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 để cấp phép xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tạo dựng nơi ở ổn định, hạn chế việc xây dựng sai phép, không phép...

Nếu chính quyền địa phương và cơ quan chức năng làm mạnh ngay từ đầu thì tôi đâu có mất hàng trăm triệu đồng” - bà Nguyễn Thị Hoài, người có căn nhà xây không phép ở xã Vĩnh Lộc A bị cưỡng chế tháo dỡ năm 2013, tiếc nuối.

Đã kỷ luật 117 cán bộ, công chức

Từ năm 2012 đến nay, huyện Bình Chánh đã lập hồ sơ xử lý 7.033 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực xây dựng.

Trong đó, 6.339 trường hợp vi phạm xây dựng không phép và vi phạm đất đai do tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trái phép; 684 sai phép. Kết quả, đã xử lý 5.095 trường hợp, tổng diện tích vi phạm đã thực hiện cưỡng chế là 254.750 m2.

Từ năm 2012 đến nay, tổng số cán bộ, công chức ở Bình Chánh bị kỷ luật là 117 người. Trong đó, 78 người bị khiển trách, 34 người bị cảnh cáo, 3 người bị hạ bậc lương và 2 người bị cho thôi việc.

Sau tháo dỡ là... bỏ hoang

Những ngày đầu tháng 5-2019, trở lại những nơi bị cưỡng chế tháo dỡ nhà xây không phép năm 2013 ở xã Vĩnh Lộc A, đập vào mắt chúng tôi là những nền nhà, móng nhà vẫn còn đó, đất đai bị bỏ hoang.

Chỉ khu đất cỏ mọc um tùm, bà Nguyễn Thị Uyên - người dân địa phương - cho biết sau khi chính quyền cưỡng chế một thời gian thì nơi này thành đất bỏ hoang.

" Người dân xây nhà trái phép bị cưỡng chế tháo dỡ là chuyện không có gì phải bàn cãi. Thế nhưng, đất sau khi cưỡng chế thì không thể trồng trọt, bởi ngoài xà bần, cát, đá thì mỗi hộ chỉ có một khoảnh nhỏ, đâu biết trồng cái gì. Mong chính quyền sớm điều chỉnh quy hoạch hay quy hoạch một cách bài bản, rõ ràng để đất đai không bị lãng phí như hiện nay" - bà Uyên bày tỏ.

Hồng Nhung - Trường Hoàng (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.