|
Dư nợ cho vay đối với các dự án xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp vừa được loại trừ ra khỏi “rổ” tín dụng phi sản xuất theo Công văn số 8844/CSTT của NHNN. (Ảnh minh họa). |
Ngày 14-11-2011, NHNN ban hành Công văn số 8844/CSTT cho phép các
TCTD khi xác định tỷ trọng dư nợ BĐS so với tổng dư nợ cho vay được loại
trừ: Nhu cầu vốn để sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng
tiền lương, tiền công của khách hàng vay (nhóm 1); Xây dựng nhà để bán,
cho thuê cho người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công
nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế (nhóm 2); Xây dựng nhà ở cho công nhân
khu công nghiệp nhưng không thu tiền thuê nhà, hoặc thu tiền thuê với
giá thuê không vượt quá mức giá cho thuê nhà ở do UBND cấp tỉnh ban hành
(nhóm 3); Xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở sắp hoàn
thiện và sẽ được bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 1-1-2012 (nhóm 4).
Trước động thái của NHNN, các nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và
dân cư đón nhận thông tin này với những nhận định và tâm trạng khác
nhau.
Theo ông Lê Đình Liệu, Giám đốc NHNN Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu, việc loại trừ 4 nhóm BĐS ra khỏi khu vực phi sản xuất cho phép các TCTD hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh nhà ở; cho vay đối với các cá nhân có nhu cầu tài chính để sửa chữa, mua nhà ở trong dịp cuối năm. Tuy nhiên, việc cung cấp tín dụng còn tùy thuộc vào “room” được phép (tỷ trọng tín dụng BĐS chưa quá 16% tổng dư nợ), nguồn vốn, khả năng thanh khoản của các NHTM.
Ông Nguyễn Tiến Phong, Giám đốc Công ty TNHH MTV xây dựng Đức Thuận cho rằng, việc loại trừ các công trình, dự án phát triển nhà thuộc nhóm 4 theo Công văn số 8844/CSTT vào thời điểm gần cuối năm xem ra chẳng có ý nghĩa gì nhiều, bởi: Trong việc đầu tư các dự án BĐS, giai đoạn cần vốn nhiều nhất là khi dự án hoàn thành khoảng 50%-70%. Thời điểm hiện nay, nếu dự án sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng trước ngày 1-1-2012, tức dự án đã hoàn thành hơn 90% khối lượng thì doanh nghiệp cũng không cần vay tiền. Mặt khác, tính từ khi Công văn 8844/CSTT ban hành, chỉ còn 45 ngày nữa là hết năm 2011, thời gian làm thủ tục vay đến khi được giải ngân cũng mất nhiều ngày, vì vậy, doanh nghiệp khó hoàn thành dự án để bàn giao nhà, căn hộ cho khách hàng trước ngày 1-1-2012. Vấn đề lãi suất cao từ 22% - 25% cũng là trở ngại lâu nay cho doanh nghiệp muốn tiếp cận vốn tín dụng BĐS thuộc nhóm 2 và nhóm 3 theo phân loại trên.
Giám đốc một chi nhánh NHTM trên địa bàn cho biết, sau khi Công văn
số 8844/CSTT được thông tin rộng rãi, rất nhiều khách hàng cá nhân liên
hệ với chi nhánh để vay tiền sửa chữa nhà, mua nhà để ở. Trong khi đó,
các khách hàng doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh địa ốc lại tỏ
ra không mặn mà. Vị giám đốc nọ cho biết thêm, theo hướng dẫn từ hội sở
chính của ngân hàng này, chỉ được phép mở rộng đối tượng cho vay nhưng
không giảm lãi suất, vì cho vay BĐS vẫn là lĩnh vực bị áp hệ số phòng
ngừa rủi ro cao gấp 2,5 lần so với các khoản cho vay thông thường.
Từ thực tiễn trên, các chuyên gia kinh tế-tài chính nhận định: Công văn 8844/CSTT của NHNN vẫn yêu cầu các TCTD tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát hoạt động cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN. Việc xác định lại các khoản vay BĐS chỉ có ý nghĩa thực sự với một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn sửa chữa, mua mới nhà ở. Nhưng đối với các NHTM thì được phép loại trừ một số khoản cho vay BĐS ra khỏi “rổ” tín dụng phi sản xuất. Như vậy, có thể xem đây là “giải pháp kỹ thuật” giúp cho các NHTM không vi phạm “trần” dư nợ phi sản xuất 16% do NHNN quy định hồi đầu năm.