23/11/2019 8:26 AM
Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được đơn thư của ông Đào Văn Điều xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội phản ánh việc mảnh đất gia đình sinh sống ổn định, không có tranh chấp hơn 30 năm. Tuy nhiên, khi làm các thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, theo yêu cầu UBND xã Đại Thịnh phải nộp 70 triệu mới làm được sổ.

Gia đình ông Đào Văn Điều đã sinh sống ổn định trên mảnh đất thửa 342, tờ số 46 từ năm 1986

Đất chính chủ ở ổn định 30 năm

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Đào Văn Điều, thôn Thường Lệ, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội cho biết: Theo quy định pháp luật, gia đình có 3 cặp vợ chồng gồm: Bố mẹ; vợ chồng anh trai; vợ chồng ông. Vì diện tích đất chật chội trong khi gia đình phải sinh sống cùng lúc 3 cặp vợ chồng, nên tôi và vợ buộc phải xin đi ở nhờ.

Nắm bắt chủ chương của Nhà nước là sẽ phân đất giãn dân cho các gia đình đủ điều kiện, ông Điều đã viết đơn, làm các thủ tục gửi tới Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Đường đề đạt nguyện vọng. Đến năm 1986 qua xem xét các điều kiện Hợp tác xã đã thống nhất, đồng ý cấp đất theo tiêu chuẩn giãn dân ở ven Quốc lộ 23B thuộc địa bàn của Khu 8, thôn Thường Lệ, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh.

Cho tới nay, các chứng từ, văn bản, sổ sách như Bản đồ lập năm 2005, tờ số 46, thửa đất 342 xã Đại Thịnh; Sổ mục kê đính kèm mang tên Đào Văn Điều; Biên lai thu thuế nhà, đất ngày 14/8/2011 mang tên Đào Văn Điều. Đặc biệt, trong nội dung này còn được các ông nguyên là lãnh đạo Hợp tác xã và Trưởng Ban Tư pháp xã Đại Thịnh "Phó Trưởng Đoàn kiểm tra, phạt hành chính, đồng thời hợp lý hóa việc giao đất cho ông Điều" cùng thời điểm xác nhận. Tất cả đều là những bằng chứng, chứng minh một cách rõ ràng về chủ quyền chính đáng của gia đình đối với thửa đất 342, tờ số 46.

Thế nhưng, ông Hoàng Văn Cường – Chánh Thanh tra huyện Mê Linh lại cho rằng, mảnh đất của ông Đào Văn Điều là đất có nguồn gốc từ tổ chức. Ông Cường trích dẫn Văn bản số 127/KL-UBND ngày 24 tháng 3 năm 2017 của UBND huyện Mê Linh với nội dung: “Ngày 21/5/1993 UBND tỉnh Vĩnh Phú có Quyết định số 691/QĐ-UB về việc duyệt hợp thức giao quyền sử dụng 762 m2 đất xây dựng hạt quản lý đường bộ 23B khu vực xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh”.

Tuy nhiên, có thể thấy câu trả lời ông Chánh Thanh tra huyện Mê Linh là không phù hợp với lịch sử sử dụng đất tại thửa 342, tờ số 46. Bởi thực tế ông Đào Văn Điều đã sinh sống ổn định trên mảnh đất này từ những năm 1986, trước khi có Quyết định số 691/QĐ-UB.

Nộp 70 triệu, mới có sổ?

Ngày 29/7/2003 ông Đào Văn Điều đã nộp số tiền 20.000 triệu đồng và được ông Trần Văn Bối - Thủ quỹ xã Đại Thịnh khi đó ghi tay “Giấy biên nhận nộp tiền đất”.

Sau khi được cấp đất từ Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Đường, năm 2003 gia đình ông Điều đã làm các thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thế nhưng, khi làm kê khai tại UBND xã Đại Thịnh, ông Đào Văn Điều bị gây khó khăn, cơ quan chức năng không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đáng nói hơn, UBND xã Đại Thịnh mời liên tiếp nhiều lần và yêu cầu gia đình phải đóng 70 triệu đồng mới được sử dụng phần đất trên, thậm chí theo ông Điều cho biết: “UBND xã Đại Thịnh còn đe dọa nếu gia đình không đóng tiền thì sẽ bán đấu giá phần đất này. Việc không rõ ràng, không minh bạch và bất nhất trong yêu cầu của UBND xã Đại Thịnh còn thể hiện ở việc xã Đại Thịnh rút số tiền làm Giấy chứng nhận từ 70 triệu xuống còn 50 triệu”.

Đứng trước yêu cầu trên của UBND xã Đại Thịnh, ngày 29/7/2003 gia đình đã nộp số tiền 20.000 triệu đồng và được ông Trần Văn Bối - Thủ quỹ xã Đại Thịnh khi đó ghi tay “Giấy biên nhận nộp tiền đất”.

Tuy nhiên, sau khi đã nộp 20.000 triệu đồng cho UBND xã Đại Thịnh hộ nhà ông Đào Văn Điều vẫn không được các cơ quan chức năng huyện Mê Linh cấp Giấy chứng nhận. Nguyên nhân là do gia đình ông không có đủ 50 triệu đồng để nộp theo yêu cầu của UBND xã Đại Thịnh khi ông bắt đầu làm thủ tục kê khai năm 2003.

Bức xúc trước việc thu tiền không rõ ràng của UBND xã Đại Thịnh, ông Đào Văn Điều đã nhiều lần viết đơn khiếu nại lên các cơ quan chức năng của Trung ương và thành phố Hà Nội xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời xử lý nghiêm những cán bộ địa phương thu tiền trái quy định.

Đưa dẫn chứng chứng minh việc thu tiền trái quy định đối với việc làm sổ đỏ ông Điều cho biết: “Đất gia đình sử dụng ổn định trước ngày 15/10/1993, không thuộc đối tượng phải nộp tiền sử dụng đất. Cụ thể, theo quy định tại các Điều 49,50 Luật đất đai 2003 (có hiệu lực tại thời điểm đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) không phải đóng tiền sử dụng đất.

Ngoài ra việc thu tiền đất trái pháp luật, được khẳng định thêm qua Văn bản số 127/KL-UBND ngày 24/3/2017 của UBND huyện Mê Linh với nội dung: “Phòng Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND xã Đại Thịnh làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 342, tờ bản đồ số 46, diện tích 424,1m2 theo bản đồ lập năm 2005 cho hộ ông Đào Văn Điều mà không phải nộp tiền sử dụng đất”.

Đến đây dự luận đặt câu hỏi trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan trong việc thu tiền trái quy định đối với gia đình ông Đào Văn Điều liệu có bị xử lý ?

Huy An (TN&MT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.