15/10/2023 5:01 PM
Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm tới khi nền kinh tế lớn nhất châu Á phải vật lộn với cuộc khủng hoảng bất động sản, qua đó đe dọa đến triển vọng phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế.

Dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc hiện được chốt ở mức 4,4% cho năm 2024, giảm so với con số 4,8% mà World Bank dự báo vào tháng 4.

Đối với các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương (APAC), bao gồm các quốc gia như Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, mức tăng trưởng GDP dự kiến trong năm 2024 là 4,5%, giảm so với mức 4,8% được đưa ra cách đây vài tháng.

Những số liệu này được đưa ra trong báo cáo của World Bank công bố ngày 2/10, cảnh báo rằng một “cú sốc tăng trưởng” đến từ các đối tác thương mại lớn nhất khu vực – Trung Quốc và Mỹ – sẽ tác động đến các nền kinh tế châu Á thông qua các dòng chảy tài chính và thương mại song phương.

Chuyên gia kinh tế Aaditya Mattoo của World Bank nói với Nikkei Asia: “Trung Quốc đã trở thành một thị trường thực sự quan trọng đối với khu vực APAC. Những gì xảy ra ở Trung Quốc thực sự quan trọng đối với hoạt động kinh tế ở phần còn lại của khu vực”.

Mức tăng trưởng dự kiến 4,4% vào năm 2024 có nghĩa là tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ không còn mạnh như trước đại dịch. Số liệu thống kê chính thức cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khoảng 6% đến 7% hàng năm vào cuối những năm 2010, trước khi chậm lại còn 2,2% vào năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch.

Tốc độ tăng trưởng đã phục hồi lên 8,4% vào năm 2021, nhưng lại tiếp tục chậm lại ở mức 3% vào năm 2022 do ảnh hưởng từ chính sách Zero-Covid của chính phủ làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Trong năm nay, World Bank dự kiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt 5,1%.

“Sự tăng trưởng trong quá khứ của Trung Quốc, chủ yếu nhờ đầu tư vào cơ sở hạ tầng và bất động sản, đã khiến các công ty và chính quyền địa phương chịu áp lực về các khoản nợ. Các dự án cơ sở hạ tầng bão hòa khiến lợi nhuận trong ngành giảm dần và dẫn tới tình trạng dự cung nhà ở, qua đó làm giảm giá bất động sản”, theo báo cáo của World Bank.

Nền kinh tế hàng đầu châu Á gần đây đã phải chịu áp lực bởi những rắc rối từ các nhà phát triển bất động sản bị mắc nợ. Chẳng hạn, Tập đoàn Evergrande đang phải vật lộn với các khoản nợ lớn tích lũy trong nhiều năm, trong khi doanh số bán hàng sụt giảm đã ảnh hưởng đến lượng tiền mặt của công ty.

Chuyên gia Mattoo lưu ý rằng các ước tính về đóng góp của lĩnh vực bất động sản vào GDP của Trung Quốc dao động từ 1/4 đến 1/3, bao gồm cả các ngành liên quan tới bất động sản như xây dựng, xi măng,...

Ông nói: “Tỷ trọng của ngành bất động sản trong nền kinh tế Trung Quốc đã trở nên rất lớn. Thật không may, chúng tôi nhận thấy những khó khăn trên diện rộng vì dù giá nhà ở tại những thành phố lớn dường như đang phục hồi, nhưng các thành phố hạng hai vẫn gặp khó khăn”.

World Bank dự báo mức tăng trưởng ở các nước đang phát triển trong khu vực APAC sẽ duy trì ở mức 5% vào năm 2023, nhưng đà tăng trưởng đó sẽ giảm bớt trong nửa cuối năm nay.

Riêng với khu vực Đông Nam Á, bất chấp những rắc rối tại Trung Quốc, World Bank vẫn nhìn thấy những điểm sáng ở khu vực này khi mức lạm phát trên toàn cầu dự kiến sẽ giảm.

Tổ chức này cho rằng sự kết hợp giữa cải cách dịch vụ và số hóa đang tạo ra những cơ hội mới trong khu vực, với xu hướng “phổ biến công nghệ kỹ thuật số” nhằm cải thiện hiệu quả kinh tế.

World Bank nhấn mạnh rằng ở Philippines, việc các công ty áp dụng phần mềm và phân tích dữ liệu đã giúp năng suất của các công ty tăng trung bình 1,5% trong suốt thập kỷ trước, trong khi ở Việt Nam, việc giảm bớt các rào cản chính sách cũng đã dẫn đến tăng năng suất lao động.

Tuy nhiên, chuyên gia Mattoo lưu ý rằng rủi ro vẫn tiềm ẩn trên thị trường. Ông nói: “Trên khắp các quốc gia, giữa các hộ gia đình, doanh nghiệp, các khoản nợ hiện cao hơn nhiều so với trước đây. Đó sẽ vẫn là một gánh nặng đối với các hộ gia đình”.

Anh Nguyễn (Asia Nikkei)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.