CafeLand - Hơn 10.000 tỉ đồng từ thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang bị “treo” tại hai địa phương là Hà Nội và TP. HCM. Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, sở dĩ có tình trạng này là vì có quá nhiều luật đang cùng quy định về vấn đề này.

Tại phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội

Ông Thanh cho biết, hệ thống các văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp được ban hành tương đối đầy đủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cơ chế quản lý nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp bị điều chỉnh bởi nhiều nhóm văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, thiếu sự thống nhất, một số văn bản dưới luật trái với quy định của luật.

Cụ thể, trong khi Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định các khoản thu hồi vốn ngân sách đầu tư tại các tổ chức kinh tế thuộc Trung ương hoặc địa phương được xác định tương ứng là nguồn thu của ngân sách Trung ương hoặc ngân sách địa phương thì Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ lại quy định tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được thu tập trung về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (HTSX&PTDN).

“Điều này đã gây khó khăn cho một số số địa phương trong quản lý, sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hóa”, ông Thanh nói.

Ngoài ra, trong công tác quản lý, sử dụng Quỹ HTSX&PTDN còn nhiều bất cập. Chẳng hạn như chưa có chế tài đủ mạnh để buộc các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc nộp tiền về Quỹ HTSX&PTDN theo quy định, dẫn đến nhiều khoản nợ đọng kéo dài.

Hay việc thu hồi còn nhiều khó khăn do các đối tượng chưa thực hiện nghiêm trách nhiệm trả nợ. Đối tượng nợ bao gồm cả cá nhân là người nghèo mua cổ phần trả chậm theo quy định trước đây. Nhiều đối tượng nợ là doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản hoặc tình hình tài chính khó khăn nên chậm trả nợ...

Đặc biệt là việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc kiểm tra, giám sát, chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời chế độ thu nộp, chế độ báo cáo về Quỹ HTSX&PTDN.

Để đồng bộ với nội dung thu, chi trong Luật Ngân sách nhà nước, Đoàn Công tác đề nghị xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13 để bảo đảm không ban hành quá nhiều văn bản quy định về cùng một nội dung, dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo, đồng thời tuân thủ đúng quy định tại Điều 55 của Hiến pháp.

Đoàn Công tác đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thời gian qua.

Thu – chi vốn từ cổ phần hoá đang trái luật

Nhận định về việc sử dụng, quản lý vốn từ thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, chúng ta chưa thực hiện đúng Luật Ngân sách Nhà nước. Cụ thể là quy định thu ngân sách tập trung, không đưa vào ngân sách chi thường xuyên, nhưng dành một phần cho chi đầu tư, phát triển.

Bà Ngân cho rằng, Hiến pháp đã quy định rất rõ tất cả các khoản thu của Nhà nước phải được đưa vào ngân sách nhà nước, tất cả khoản chi của Nhà nước phải được dự toán và chi theo dự toán.

“Tại sao chúng ta thành lập ra một quỹ tài chính nhà nước nằm ngoài cân đối? Chưa kể đây là số tiền lớn, nên tất cả phải đưa vào ngân sách để dự toán chi, không thể đưa cho doanh nghiệp, một tổ chức thu – chi. Thực hiện như vậy là sai so với Hiến pháp”, bà Ngân nói.

Theo đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, không cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thậm chí không cần thiết phải sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 (Luật số 69/2014/QH13).

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần phải quản lý theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, không thể để ngoài ngân sách và thành lập Nghị quyết này.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất khẳng định hệ thống pháp luật hiện nay là đầy đủ, không cần thiết phải ban hành một nghị quyết về vấn đề này và cũng chưa cần phải sửa Luật số 69/2014/QH13.

Quốc hội đề nghị Chính phủ thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật có liên quan, trong đó có Luật Ngân sách Nhà nước về vấn đề quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ của mình theo đúng thẩm quyền được quy định trong luật.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết khó khăn trong quản lý, sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hóa, khiến cho TP. Hà Nội và TP. HCM đang “treo” số tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trên tài khoản tạm thu tương ứng là 8.416,485 tỉ đồng (30-6-2019) và 1.789,373 tỉ đồng (31-12-2017), trong khi nhu cầu chi ngân sách rất cấp thiết.

Đình Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.