Năm 2001, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) chính thức bước chân vào lĩnh vực bất động sản, mở đầu bằng việc thành lập CTCP Xây dựng và Phát triển Đô thị Hòa Phát trên cơ sở Ban xây dựng cơ bản của Hòa Phát.
Tới cuối năm 2020, doanh nghiệp này cơ cấu lại mô hình tổ chức với 4 nhóm ngành được quản lý theo từng tổng công ty độc lập. Trong đó, lĩnh vực bất động sản do doanh nghiệp mới thành lập khi đó là CTCP Phát triển Bất động sản Hòa Phát đảm nhiệm.
Tính đến thời điểm hiện tại, Hòa Phát tham gia vào bất động sản được hơn 20 năm với 2 lĩnh vực chính là bất động sản khu công nghiệp (KCN) và bất động sản đô thị.
Mới đây, doanh nghiệp do ông Trần Đình Long làm Chủ tịch HĐQT đã đưa ra định hướng năm 2025 với nhiều thông tin đáng chú ý.
Ở mảng bất động sản, Hòa Phát đang sở hữu và vận hành 3 KCN, bao gồm: KCN Phố Nối A có quy mô hơn 688,94 ha (Hưng Yên), KCN Hòa Mạc – 131 ha (Hà Nam), KCN Yên Mỹ II - 313,5 ha (Hưng Yên). Tổng quỹ đất KCN được phê duyệt quy hoạch là 1.133ha.
Tại KCN Phố Nối A, tỉ lệ lấp đầy đạt khoảng 95% với 164 doanh nghiệp trong và ngoài nước đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu thuê đất. Giai đoạn 1, KCN Yên Mỹ II có tỉ lệ lấp đầy đạt 100%. Giai đoạn 2 của dự án KCN Yên Mỹ II mở rộng cũng đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Các lô đất sẵn sàng bàn giao cho nhà đầu tư với tỷ lệ lấp đầy đạt gần 50%.
Hòa Phát sẽ đầu tư 3 khu công nghiệp mới
Ngoài quỹ đất khu công nghiệp được quy hoạch là hơn 1.133 ha, tập trung tại các tỉnh Hưng Yên và Hà Nam, lãnh đạo Hòa Phát cho biết đang thực hiện các thủ tục đầu tư để phát triển thêm 3 KCN mới trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nhà sản xuất thép này cho biết đang triển khai dự án nhà ở xã hội quy mô 31 ha tại KCN Yên Mỹ II. Dự án này sẽ góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho người lao động thu nhập thấp tại địa phương, đồng thời tạo động lực phát triển cho KCN.
Kế hoạch trong vòng 10 năm tới, Hòa Phát cho biết sẽ vừa triển khai những KCN đang có, vừa mua lại hoặc xin mới để mở rộng 4 đến 6 khu nữa. Đến năm 2030 sẽ có 10 KCN, bao gồm cả các KCN đang có.
Đối với mảng dự án nhà ở - khu đô thị, doanh nghiệp thép này sẽ tập trung phát triển các đại đô thị diện tích từ 300 -500 ha, đóng góp vào quá trình đô thị hóa các khu dân cư hiện hữu của địa phương. Các dự án bất động sản nhà ở - khu đô thị đang được nghiên cứu và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện.
Trước đó, Hòa Phát đã đầu tư xây dựng các dự án ở Hà Nội như Khu phức hợp Mandarin Garden 1 (2,5 ha) tại quận Cầu Giấy, Khu phức hợp Mandarin Garden 2 (1,3ha), Khu chung cư 70 Nguyễn Đức Cảnh, tại quận Hoàng Mai, Chung cư Hòa Phát 257 Giải Phóng, quận Đống Đa... bên cạnh dự án đang triển khai như Khu đô thị Bắc Phố Nối tại Hưng Yên (262 ha).
Hòa Phát đặt mục tiêu trở thành top 3 doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024, Hòa Phát ghi nhận doanh thu thuần gần 34.000 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ 2023, lợi nhuận sau thuế đạt 3.000 tỷ đồng, tăng 51%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, nhà sản xuất thép này đạt doanh thu ở mức 105.000 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận hơn 9.200 tỷ đồng, tăng 140%. Đóng góp chính vào kết quả này là thép và các sản phẩm liên quan với tỉ trọng 85%, còn lại là các mảng khác như nông nghiệp, điện lạnh, bất động sản KCN.
Đáng chú ý, bên cạnh lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là thép, Hòa Phát cũng ghi nhận kết quả tích cực từ mảng bất động sản KCN.
Quý 3 vừa qua, nhóm ngành bất động sản ghi nhận doanh thu thuần đạt 768 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 302 tỷ đồng. Biên lợi nhuận sau thuế tính trên doanh thu thuần đạt 39%.
Mặc dù đang là “vua” trong lĩnh vực sản xuất thép ở Việt Nam, nhưng Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long vẫn bày tỏ mong muốn mở rộng sang lĩnh vực bất động sản và còn đặt mục tiêu trở thành top 3 doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam.
Thời gian qua, Hòa Phát đang rốt ráo đi tỉnh "tìm đất" cho tham vọng Bất động sản. Sau Cần Thơ, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Hải Dương, ông chủ Hòa Phát Trần Đình Long tìm đến Thừa Thiên Huế và mới nhất là Phú Yên.
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Phú Yên năm 2024 diễn ra hồi tháng 3/2024, UBND tỉnh Phú Yên đã trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận cho 14 nhà đầu tư của 14 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 10.500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh Phú Yên cũng trao 5 biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 128.000 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là Tập đoàn Hòa Phát tìm hiểu cơ hội đầu tư 3 dự án lớn với tổng mức đầu tư 120.000 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD).
Ông Trần Đình Long cho biết, sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và trao đổi với lãnh đạo tỉnh Phú Yên, Hòa Phát quyết định đầu tư 3 dự án tại Khu Kinh tế Nam Phú Yên.
Cụ thể, các dự án gồm: Cảng Bãi Gốc (vốn đầu tư dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng); Đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm (vốn đầu tư dự kiến khoảng 13.300 tỷ đồng); Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm (vốn đầu tư khoảng 86.000 tỷ đồng).
“Chiến lược của Hòa Phát là tích cực đi các địa phương xin tham gia đấu thầu các chương trình phát triển đô thị, sau đó phát triển dự án. Triển vọng của lĩnh vực bất động sản là tốt đẹp vì Hòa Phát làm từ gốc, không phải bỏ tiền mua dự án, không bị áp lực giá vốn", ông Long cho biết.
-
DN thép đầu tiên hé lộ kế hoạch kinh doanh năm 2025: Là hãng thép có tiếng tại miền Nam, từng phải rao bán tòa nhà trụ sở, đất đai để duy trì hoạt động
Kinh doanh thua lỗ cộng thêm khoản công nợ tồn đọng khó đòi từ các chủ đầu tư, doanh nghiệp thép này buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân sự và liên tục bán bất động sản, bán nợ để có tiền duy trì hoạt động....
-
Doanh nghiệp sở hữu quỹ đất KCN lớn nhất nhì miền Bắc đặt tham vọng gì trong năm 2025?
Doanh nghiệp này hiện đang sở hữu và vận hành 15 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 4.200 ha, thu hút 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước với hơn 18 tỷ USD vốn FDI.