Trong cơn sốt đất giai đoạn từ năm 2020 đến đầu năm 2022, nhiều nhà đầu tư “tay ngang” vì tham lãi khủng mà không chịu bán. Đến khi thị trường “đóng băng” phải chấp nhận “cắt lỗ” 30%, thậm chí 50% để thoát hàng.

Thời điểm đó giá bất động sản ở một số tỉnh thành tăng phi mã, gấp 2,3 lần nên người người, nhà nhà đổ đi buôn đất, làm môi giới. Trong đó, nhiều người biết nắm bắt cơ hội đã kiếm được tiền tỉ mua nhà, mua xe, nhưng cũng không ít người phải “gồng” mình trả lãi cho khoản nợ hàng tỉ đồng tại ngân hàng.

Có trong tay 1 tỉ đồng, chị Hồng Anh (Bà Rịa – Vũng Tàu) vay thêm ngân hàng 1 tỉ đồng để mua lô đất gần 2 tỉ tại khu vực phường Long Hương, TP.Vũng Tàu. Theo chị Hồng Anh, lô đất ban đầu chỉ có giá gần 700 triệu đồng vì bán qua tay cho nhiều nhà đầu tư khác theo tình hình thị trường nên đến tay chị mới có giá cao như vậy.

“Mình vẫn quyết định mua vì thời điểm đó đất tại khu vực này vẫn tăng mạnh, chỉ sau hai ngày đã có người đến hỏi mua và trả giá chênh 200 triệu đồng. Nhưng mình nghĩ vẫn còn tăng nữa nên quyết định không bán mà chờ đợi thêm” – chị Hồng Anh cho hay.

Cùng với lô đất này, chị Hồng Anh còn góp chung vốn cùng một người bạn đầu tư thêm một lô đất tại Bình Phước với trị giá 1,5 tỉ đồng.

“Lô đất ở Bình Phước mình mua vào đầu năm 2022, thời điểm đó thị trường có dấu hiệu đi xuống nhưng mình không nhận ra vì không có kinh nghiệm. Cứ nghĩ đợi là sẽ có lãi, nên khi chủ đất giảm 100 triệu đồng, mình không chần chừ mà vay ngân hàng 500 triệu đồng để góp vốn cùng bạn. Với số nợ 1,5 tỉ đồng hiện tại mình phải trả gốc và lãi gần 20 triệu đồng” – chị Hồng Anh tâm sự.

Không thể “gồng” được nữa, cách đây hai tháng chị Hồng Anh bán đi lô đất tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Tuy nhiên, dù phải “cắt lỗ” 50% chị Hồng Anh vẫn chấp nhận bán đi để có tiền trả nợ ngân hàng.

Dòng người và xe nườm nượp đi xem đất tại Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh Dân Trí.

Trường hợp như chị Hồng Anh không hiếm, anh Đại An (Thanh Hóa) cũng cho biết anh vừa bán xong lô đất tại Đồng Nai với giá 1 tỉ đồng, lỗ hơn 500 triệu đồng so với thời điểm mua.

“Ở thời điểm thị trường sôi động, tôi mua xong đã có người trả chênh 100 triệu đồng, nhưng không bán để đợi lãi cao hơn. Cứ thế thị trường dần đi vào trầm lắng, giá đất càng ngày càng xuống, nếu cứ đợi mãi cũng không biết có tăng không nên tôi quyết định bán đi cho yên tâm. Dù lỗ cũng kha khá, nhưng tôi không hối hận vì hiện tại giá đất tại khu vực đó chưa có dấu hiệu đi lên” – anh An chia sẻ.

Báo cáo mới đây của DKRA Vietnam cho thấy, toàn thị trường TP.HCM và vùng phụ cận gồm Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tây Ninh chỉ ghi nhận 4 dự án đất nền mở bán trong tháng 4, tương ứng với 272 nền, giảm 83% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chỉ có một dự án mới, còn lại là các dự án mở bán giai đoạn tiếp theo.

Bình Dương là khu vực chiếm đa phần nguồn cung mới với 207 nền, chiếm tỷ lệ lên đến 76,1%. Xếp sau là Đồng Nai (14,3%), Tây Ninh (5,9%), TP.HCM (3,7%).

Sức cầu thị trường ở mức thấp chỉ bằng 18% so với cùng kỳ năm 2022, tập trung chủ yếu ở các dự án có mức giá dưới 20 triệu đồng/m2.

Tình cảnh ảm đạm của thị trường buộc nhiều chủ đầu tư phải mạnh tay tung ra các chính sách chiết khấu cao, lên đến 14-20% giá trị mảnh đất. Bên cạnh đó, những chương trình khác như hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc... cũng được nhiều doanh nghiệp áp dụng nhằm kích cầu thị trường.

Bảo Minh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.