* Phóng viên: TP Đà Nẵng điều chỉnh quy hoạch, xén một nửa diện tích quy hoạch khu Thư viện KHTH để giao cho Sun Group xây dựng khu vui chơi, là một người có kinh nghiệm nhiều năm trong quy hoạch, quan điểm của KTS về vấn đề này như thế nào?
* KTS HỒ DUY DIỆM: Đành rằng việc giao đất cho Sun Group xây dựng khu vui chơi châu Á tại khu vực Đông Nam tượng đài 2-9 với quy mô lớn, vốn đầu tư 200 triệu USD là góp phần vào sự phát triển chung của TP Đà Nẵng. Nhưng theo tôi, việc điều chỉnh quy hoạch xén bớt đất thư viện cũng như quy hoạch một khu vui chơi rộng 84ha nằm trong lòng TP là không ổn. Bởi với một khu vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế mà với diện tích 84ha là chưa đảm bảo. Bên cạnh đó, nhà quy hoạch cần phải tính, khu vui chơi đẳng cấp quốc tế khi đưa vào hoạt động sẽ thu hút bao nhiêu khách mỗi ngày, nguồn khách từ đâu tới… để từ đó tính toán làm sao vừa phù hợp vừa thuận lợi và không gây áp lực về dân số cho đô thị trong những năm tới. Tại sao khi điều chỉnh quy hoạch phải xén đất thư viện mà không nghĩ là đưa khu vui chơi đến nơi khác rộng hơn, phù hợp với xu thế phát triển trong tương lai hơn?
Phối cảnh tổng thể Thư viện KHTH Đà Nẵng tại khu phía Đông Nam tượng đài 2-9.
* Vậy theo KTS, chúng ta quy hoạch sao cho phù hợp?
* Theo tôi, một khu vui chơi quy mô khoảng 100ha thì không nên để trong lòng TP, vì làm như thế tương lai lượng du khách đến nhiều sẽ gây áp lực cho đô thị, dẫn đến kẹt xe, quá tải… Trước đây, tôi có nhiều bài viết về quy hoạch xây dựng TP Đà Nẵng trong tương lai. Đà Nẵng cần phải có chiến lược xây dựng theo mô hình “Đưa thành phố lên rừng và đưa rừng về thành phố”. Với mô hình này, Đà Nẵng cần phải dành nhiều diện tích cho việc trồng cây, làm công viên, xây dựng các khu văn hóa ở trung tâm TP; đồng thời đưa các trường đại học, bệnh viện… ra vùng ven để vừa đảm bảo diện tích đủ rộng để xây dựng cơ sở vật chất vừa đảm bảo kéo giãn cư dân, giảm áp lực dân số cho đô thị. Vì vậy, khu vui chơi châu Á đẳng cấp quốc tế như Sun Group muốn đầu tư vào Đà Nẵng nên đưa ra xa trung tâm TP. Ví dụ như đưa về Hòa Vang hay khu vực khu đô thị Hòa Xuân mà hiện nay diện tích đất còn rất rộng, như thế vừa không bị bó hẹp về diện tích để sau này có thể dễ dàng mở rộng quy mô vừa đảm bảo kéo giãn dân cư và phù hợp với xu thế phát triển.
* Quan điểm của KTS về việc xây dựng thư viện của Đà Nẵng như thế nào?
* Theo tôi, một TP hiện đại như Đà Nẵng muốn hướng đến trong tương lai (quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 Đà Nẵng đạt 2,5 triệu dân) thì bên cạnh xây dựng hạ tầng đô thị cần phải tính đến xây dựng các khu văn hóa, trong đó có thư viện, bảo tàng… Khi TP đã phát triển hiện đại, không chỉ có một thư viện KHTH như hiện nay mà cần xây dựng thêm thư viện tại các quận, huyện. Vì thế, diện tích hơn 3ha để xây dựng một thư viện của TP Đà Nẵng không là quá rộng bởi thư viện hiện đại không chỉ là kho chứa sách, một phòng đọc mà còn phải có không gian sinh hoạt, tổ chức các sự kiện văn hóa…
Quan điểm của tôi là nên giữ nguyên diện tích 7.000m2 tại số 46 Bạch Đằng để làm một phòng đọc vì xét về phong thủy, khu đất này là khu đất đẹp nhất, phù hợp với một thư viện. Đến đây học tập, nghiên cứu là rất tốt, là có lợi cho tương lai đất học Đà Nẵng. Còn diện tích hơn 3ha tại khu Đông Nam tượng đài 2-9 mà TP đã quy hoạch thì dành để xây một Thư viện KHTH phù hợp với quy mô của một Đà Nẵng hiện đại trong tương lai. Tôi nghĩ, lãnh đạo TP cần phải suy nghĩ, giữ lại các khu đất trên để làm thư viện.
* Cảm ơn KTS về cuộc trao đổi này!