Dân không đồng thuận
Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Tây Hồ mới có đề xuất gửi UBND TP Hà Nội về dự án bãi đỗ xe ngầm trên phần đất hiện hữu thuộc Công viên Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Theo đó, doanh nghiệp này xin được dùng 1,45 ha ở phía đông bắc của công viên (hiện công viên rộng 10 ha) để thực hiện dự án gồm các hạng mục bãi đỗ xe kết hợp trung tâm thương mại, dịch vụ... với tổng vốn đầu tư 565 tỉ đồng.
Hạng mục bãi đỗ xe ngầm có ba tầng ngầm. Trong đó, hai tầng dưới cùng rộng khoảng 24.000 m2, làm chỗ đỗ cho khoảng 874 xe ôtô. Ở hầm trên cùng, chủ đầu tư dự định dành 12.000 m2 kinh doanh thương mại với rạp chiếu phim, trung tâm tổ chức sự kiện, khu vui chơi trẻ em, khu tập thể thao, trung tâm thương mại... Chủ đầu tư cũng cho biết, trên mặt đất sẽ xây dựng vườn hoa, khu vui chơi trẻ em bù vào phần đất đã xén đi.
Cư dân cho rằng, những toà nhà hiện hữu quanh công viên Cầu Giấy cũng đã có diện tích để xe nên đề xuất làm thêm bãi đỗ xe ngầm là không cần thiết.
Ngay sau khi thông tin về đề xuất này được phản ánh, hàng trăm người dân sinh sống quanh khu vực công viên Cầu Giấy đã tỏ ra bất ngờ vì chưa nhận được bất cứ thông tin nào về dự án trước đó. Hàng trăm cư dân tại tòa nhà NO8B - KĐT mới Dịch Vọng đã có đơn kiến nghị yêu cầu không triển khai dự án tại Công viên Cầu Giấy.
Theo người dân, dự án bãi đỗ xe ngầm đã thể hiện những bất cập, làm phá vỡ quy hoạch H2-2, tỉ lệ 1/2000 đã được phê duyệt từ trước.
Phần đông cư dân cho rằng, phía đông công viên (cạnh toà nhà NO9B1, cách công viên Cầu Giấy 100m) đã có một nhà để xe nổi năm tầng mới khánh thành. Các toà nhà khác cạnh công viên cũng đều có 1-3 tầng hầm đảm bảo cho việc đỗ xe. Do đó, việc xây thêm một bãi đỗ xe ngầm là không cần thiết.
Cũng theo cư dân, ngoài các bãi đỗ xe hiện hữu thì trong quy hoạch lân cận công viên đang có năm bãi đỗ xe nhưng hiện chưa được xây dựng. Nhiều lô đất quy hoạch bãi đỗ xe do chậm triển khai nhiều năm bị sử dụng sai mục đích, trở thành sân tennis, quán bia, sân bóng...
Người dân lo việc xén đất làm công viên sẽ gây mất cân bằng cây xanh.
Liệu xin đất công viên để làm bãi đỗ xe ngầm lần này có tái diễn tình trạng đất bị sử dụng sai mục đích lần nữa? Nơi đây có thực sự trở thành bãi đỗ xe hay lại mọc lên những quán bia, sân tập? Nếu muốn, tại sao phải xén đất công viên mà không phải thu hồi dự án chậm để làm bãi đỗ xe?... Đó là một loạt các câu hỏi được cư dân đặt ra.
“Nếu đề xuất này được Hà Nội đồng ý thì sẽ phải giải phóng mặt bằng. Lúc đó sẽ làm mất cân bằng cây xanh. Chưa kể, bãi đỗ xe kết hợp trung tâm dịch vụ thương mại trong công viên sẽ gây ô nhiễm tiếng ồn, mất an toàn cho người già và trẻ em khi tham gia vui chơi, sinh hoạt tại công viên”, ông Nam, một cư dân sống gần công viên Cầu Giấy lo ngại.
Bài toán nan giải
Trên thực tế, từ năm 2010, Hà Nội đã có chủ trương xây dựng các bãi đỗ hiện đại và bãi xe ngầm để phục vụ nhu cầu giao thông tĩnh của thành phố. Tuy nhiên, hầu hết các dự án bãi đỗ xe ngầm đều chưa được khởi công.
Cụ thể như dự án tại Công viên Thống nhất (295 Lê Duẩn), Khu thể thao Quần Ngựa, tại Công viên Thủ Lệ (quận Ba Đình), tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội, quảng trường Ngân hàng Nhà Nước (quận Hoàn Kiếm), Công viên Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng).
Trong số đó, dự án bãi xe ngầm tại Công viên Thống Nhất, mặc dù đã được chuyển đổi từ dự án khách sạn sang dự án bãi xe ngầm từ năm 2009, nhưng 10 năm qua nơi đây vẫn là bãi đất trống.
Liên quan đến đề xuất nêu trên, nhiều chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình, cho rằng từ năm 2004, Hà Nội đã quy hoạch bến bãi đỗ xe nhưng không thực hiện được.
Theo cư dân, các toà nhà xung quanh công viên đều có 1-3 tầng hầm đảm bảo diện tích để xe.
Vấn đề phải có bãi đỗ xe ngầm cũng đã được đặt ra vào thời điểm đó. Nhiều dự án được doanh nghiệp và Nhà nước đưa ra như Công viên Thống Nhất, bãi đỗ xe Hàng Đậu… nhưng đều không thành công.
Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, cho rằng nên xem xét lại đề xuất của doanh nghiệp. Bởi theo ông, muốn có quy hoạch bãi đỗ xe ngầm trước hết cần có quy hoạch không gian ngầm. Tuy nhiên hiện có thể nói tất cả các đô thị chưa có quy hoạch không gian ngầm. Hà Nội đã có quy định nghiên cứu không gian ngầm nhưng chưa được duyệt.
Một số chuyên gia quy hoạch khác cho rằng, cư dân hoàn toàn có lý khi phản đối đề xuất xén đất làm công viên. Lo lắng về việc mất cân bằng cây xanh cũng chính là lo lắng chung cư cư dân Hà Nội khi thành phố đang mọc lên ngày càng nhiều những toà cao ốc khiến hạ tầng bị quá tải, những không gian xanh ngày càng thiếu hụt.
Chưa kể, đề xuất này đã bất hợp lý ở khâu chọn vị trí vì thông thường, vị trí làm bãi đỗ xe ngầm phải là nơi không xung đột giao thông và có khả năng kết nối với các công trình ngầm của các toà nhà hiện có. Trong khi công viên là địa điểm nhiều người dân tụ về sinh hoạt, vui chơi, rất dễ gây ách tắc. Xén đất công, thu hẹp không gian sinh hoạt của người dân để phục vụ cho việc tư là điều không nên.
Cũng có ý kiến cho rằng, ban đầu chủ đầu tư có thể nghiêm túc việc thực hiện xây bãi đỗ xe ngầm. Song không ai đảm bảo được rằng, sau này họ sẽ không từng bước “lấn chiếm” để có thể khai thác phần lớn công viên. Và lô đất đáng ra được xin để làm bãi đỗ xe, có thể cũng chỉ là “nước cờ” của chủ đầu tư nhằm dần hợp thức hoá việc chuyển đổi sang các hình thức kinh doanh khác.
Bởi thực tế đã cho thấy, nhiều dự án bãi đỗ xe sau khi được giao đất đã bị biến tướng, trở thành các nhà hàng, dịch vụ, trung tâm tiệc cưới… Đơn cử là các dự án cống hóa mương Phan Kế Bính, mương Nguyên Hồng (quận Ba Đình), cống hóa mương Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy)…
-
Đề xuất xén công viên Cầu Giấy làm bãi xe, trung tâm thương mại
Doanh nghiệp cho rằng khu vực này đang bị thiếu bãi đỗ xe, song cư dân ở địa bàn lại khẳng định thông tin này không đúng.
-
Hà Nội: Nghiên cứu lấy đất công viên làm bãi đỗ xe, người dân đồng loạt phản đối
Việc chủ đầu tư và chính quyền phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến dân cư về việc chuyển đổi 1,45ha đất công viên Cầu Giấy, Hà Nội để làm bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch thương mại đã vấp phải sự phản ứng và nhiều ý kiến không đồng thuận từ phía người dân trong khu vực.