Báo CATP số ra ngày 16-4-2013 có bài phản ánh việc làm sai trái của bà Trần Thị Sáu (SN 1959, ngụ thị trấn Bến Lức, tỉnh Long An) giả mạo hồ sơ chiếm đất của bà Đỗ Thị Ngọc, đồng thời nêu một số sai phạm của cơ quan chức năng huyện Bến Lức trong quá trình giải quyết. Ngay sau đó, Tỉnh ủy Long An có công văn chỉ đạo yêu cầu làm rõ các vấn đề báo nêu và UBND huyện Bến Lức đã thừa nhận có sai sót cũng như xác nhận những việc làm sai trái của bà Sáu.

Bà Ngọc trầm ngâm trước mảnh đất xảy ra tranh chấp

Tuy nhiên, điều đáng buồn là trước đó TAND huyện này lại tuyên “cưa đôi” mảnh đất, cho mỗi người một nửa

UBND Huyện thừa nhận sai sót

Ngày 17-4-2013, tức chỉ một ngày sau khi Báo CATP phản ánh vụ việc, Thường trực Tỉnh ủy Long An đã có công văn giao Chủ tịch UBND tỉnh và Bí thư Huyện ủy Bến Lức khẩn trương chỉ đạo cơ quan chức năng làm rõ các nội dung báo nêu, báo cáo kết quả và phương hướng giải quyết cho Thường trực Tỉnh ủy biết để xử lý. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng huyện Bến Lức đã kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ. Ngày 21-5-2013, UBND huyện có công văn 71/BC-UBND gửi Tỉnh ủy Long An giải trình và thừa nhận trong quá trình giải quyết đã để xảy ra nhiều sai sót như Báo CATP nêu. UBND huyện cũng chỉ rõ sau khi dùng hồ sơ giả qua mặt được cơ quan chức năng huyện, bà Sáu tiếp tục mạo danh bà Ngọc bán mảnh đất trên cho ông Nguyễn Văn Minh. Việc chuyển nhượng bị phát hiện nên sau đó bà Sáu phải thanh lý hợp đồng này.

Đặc biệt báo cáo của UBND huyện cũng xác nhận một chi tiết quan trọng: trong quá trình lập hồ sơ cấp đất ban đầu, bà Sáu thường thay mặt bà Ngọc tiến hành các thủ tục. Chính vì vậy nên khi UBND huyện ban hành quyết định giao đất số 1008/QĐ.UB ngày 10-7-1995 cho bà Ngọc, Phòng Nông nghiệp - Địa chính đã chủ quan giao luôn hai quyết định (bản chính) cấp đất này cho bà Sáu nhờ trao giúp cho bà Ngọc. Tuy nhiên, bà Ngọc chỉ được bà Sáu đưa lại một bản. Không chỉ riêng bà Ngọc mà một số cán bộ ngành bảo vệ thực vật Long An cũng được bà Sáu “nhận giúp” quyết định giao đất rồi “ém” lấy một bản, hiện đang xảy ra tranh chấp. Đây cũng là chi tiết hết sức quan trọng lý giải cho thắc mắc lâu nay của bà Ngọc là tại sao quyết định giao đất do UBND huyện Bến Lức cấp bà vẫn còn giữ nhưng bà Sáu cũng có một bản.

Bản án có vấn đề

Dù các chứng cứ đã bóc trần việc làm sai trái của bà Sáu và chứng minh rõ bà Ngọc là chủ nhân duy nhất của mảnh đất trên, thế nhưng bản án sơ thẩm số 11/2013/DS-ST ngày 31-1-2013 của TAND huyện Bến Lức do thẩm phán Phan Ngọc Hoàng Đình Thục ngồi ghế chủ tọa lại tuyên với nhiều nội dung thiếu công bằng. Theo đó, TAND huyện tuyên hợp đồng bà Sáu đưa ra bảo đã mua đất của bà Ngọc từ người khác vô hiệu vì không có chi tiết nào thể hiện bà Ngọc ủy quyền cho người này thực hiện giao dịch bán đất, trong hợp đồng cũng chẳng có chi tiết đề cập đến mảnh đất của bà Ngọc. Tuy nhiên, bản án này lại cho rằng dù bà Ngọc là người được cấp đất nhưng xét quá trình sử dụng cũng như công sức gìn giữ, cải tạo của bà Sáu và đến thời điểm hiện tại thì thời hạn giao đất cho bà Ngọc đã hết, nên quyết định “cưa đôi” mảnh đất, cho bà Sáu được quyền sử dụng, vợ chồng bà Sáu phải thanh toán cho bà Ngọc giá trị một nửa mảnh đất, quy ra tiền là 575.149.000 đồng và phải trả lại cho bà Ngọc toàn bộ số tiền nhà nước đền bù khi lấy đất mở đường.

Bà Ngọc bức xúc: “Mối quan hệ giữa tôi và bà Sáu là thủ trưởng và nhân viên. Bà Sáu cũng chính là người đã giới thiệu, giúp tôi mua đồng thời làm các thủ tục để được cấp đất. Sau đó, tôi đã đầu tư nhờ bà Sáu mướn người canh tác trên đó, do không hiệu quả nên tôi mới cho bà Sáu mượn đất để canh tác. Thế nhưng không hiểu sao TAND huyện Bến Lức lại cho rằng việc này không có cơ sở? TAND huyện đã chứng minh tôi không bán đất cho bà Sáu, song lại bác việc tôi cho bà Sáu mượn đất để canh tác, vậy thử hỏi một cán bộ nhà nước như bà Sáu đang canh tác trên mảnh đất của tôi với tư cách gì?”. Bản án sơ thẩm còn tuyên “đến thời điểm hiện nay thì thời hạn giao đất cho bà Ngọc đã hết” là nhận định sai lầm một cách nghiêm trọng. Quyết định 1008/QĐUB cấp năm 1995 cho bà Ngọc chỉ rõ thời hạn giao đất là 15 năm. Văn bản 558/UBND-TNMT của UBND huyện Bến Lức cũng xác định nếu tranh chấp xảy ra trước ngày 17-5-2010 thì quyết định 1008 vẫn còn hiệu lực. Từ ngày 25-11-2009, bà Ngọc đã gửi đơn khiếu nại lên UBND huyện Bến Lức về việc tranh chấp đất với bà Sáu và xin bảo lưu quyết định 1008, chờ kết quả của tòa. Việc này đã được UBND huyện Bến Lức chấp thuận. Như vậy, tính đến thời điểm tòa tuyên án thì thời hạn giao đất vẫn còn hiệu lực chứ chưa hết như nhận định của thẩm phán Thục.

Một điểm khôi hài khác là TAND huyện Bến Lức quyết định “cưa đôi” mảnh đất song lại cho bà Ngọc được hưởng toàn bộ số tiền 7.017.150 đồng khi Nhà nước bồi thường một phần để mở đường. Nếu đã tuyên cho bà Sáu được nửa mảnh đất của bà Ngọc thì lẽ ra TAND huyện Bến Lức cũng phải cho bà này hưởng nửa số tiền bồi thường mới đúng.

Trước một bản án với rất nhiều điểm phi lý như trên, bà Ngọc đã làm đơn kháng án, mong phiên tòa phúc thẩm tới đây sẽ xét xử một cách nghiêm minh để trả lại công bằng cho bà.

Lam Hồng (Công an TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.