26/02/2018 10:36 AM
CafeLand - Thời gian qua việc khách hàng mất tiền gửi nở rộ gây hoang mang đối với người gửi tiền. Trước Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều khách hàng gửi tiền tại Vietcombank đã bị mất bởi kẻ gian rút tiền từ ATM. Đỉnh điểm gần đây là thông tin về một khách hàng VIP tại Eximbank bị mất 245 tỷ đồng. Vụ việc này bị phát hiện cách đây hơn 1 năm nhưng mới đây ngân hàng này cho biết “khi nào có phán quyết của tòa sẽ trả lại 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm bị mất của khách”.

Ông Lê Nguyễn Hưng - nguyên Phó giám đốc ngân hàng Eximbank trong vụ lừa đảo 245 tỷ đồng

Trong một xã hội văn minh khi một tranh chấp dân sự diễn ra thì việc đưa ra tòa án là điều hết sức bình thường. Vì vậy thông điệp “chờ phán quyết của tòa” của Eximbank có lẽ rất “đúng quy trình”. Tuy vậy, việc Eximbank trả lại tiền cho khách hàng hay không thì vẫn chưa chắc bởi rất có thể tòa phán quyết ngân hàng này không phải trả tiền cho khách. Do đó, việc Eximbank hứa sẽ trả tiền cho khách hàng sau khi có phán quyết của tòa là hoàn toàn không cần thiết bởi ngay cả khi không hứa như vậy thì nếu tòa phán quyết phải trả tiền cho khách thì Eximbank vẫn phải thực hiện.

Vậy tại sao Eximbank lại trông đợi “tòa”? Nhà băng này dẫn Văn bản số 387 ngày 12/6/2017 của C44, cho biết các tài khoản tiền gửi tiết kiệm mà bà Chu Thị Bình đề nghị tất toán đã được rút một phần và chữ ký trên các chứng từ rút tiền được C44 thông tin là chữ ký thật của bà Bình. Đó có lẽ là “lí lẽ” quan trọng nhất của Eximbank vào lúc này để trông chờ một phán quyết có lợi cho mình tại tòa án.

Thực tế có khá nhiều nét tương đồng giữa vụ án này với vụ án “siêu lừa Huyền Như” trước đó. Huyền Như đã rút hàng nghìn tỷ đồng trong tài khoản khách hàng nhưng tòa vẫn phán quyết Vietinbank không phải đền bù. Bản chất vụ án này thay vì Huyền Như tham ô tiền của Vietinbank như ý kiến của nhiều luật sư biến thành vụ án Huyền Như lừa đảo người gửi tiền. Như vậy, nếu trong vụ án khách hàng tại Eximbank mất tiền biến thành vụ án ông Lê Nguyễn Hưng – Phó Giám đốc Ngân hàng Eximbank Chi nhánh tại TP.HCM lừa khách hàng thì ngân hàng này có thể “phủi tay”.

Tuy nhiên, có lẽ mọi chuyện không dễ dàng đối với Eximbank như vậy. Có thể khẳng định trong vụ việc này nhân sự của Eximbank đã thực hiện sai quy trình rút tiền. Cụ thể, theo quy định do ngân hàng này đưa ra thì việc rút tiền gửi tiết kiệm theo giấy ủy quyền phải cần có điều kiện là giấy ủy quyền phải được lập tại Eximbank hoặc giấy ủy quyền phải có xác nhận của công chứng hoặc chính quyền địa phương theo quy định. Đặc biệt là người rút tiền phải xuất trình được thẻ tiết kiệm. Do đó, cho dù ông Lê Nguyễn Hưng “lừa” khách hàng ký khống vào các giấy ủy quyền thì giấy ủy quyền này vẫn không hợp pháp. Ngoài ra, chắc chắn khi rút tiền những người này cũng không thể “trình được thẻ tiết kiệm” bởi số thẻ này vẫn nằm trong tay bà Bình.

Xét về lý Eximbank khó thoái thác việc trả tiền này cho khách hàng khi nhân sự của mình vi phạm hoàn toàn quy trình rút tiền gửi tiết kiệm dẫn đến thiệt hại cho khách hàng. Chính nhân viên của Eximbank “lừa đảo” ngân hàng này để tham ô tài sản chứ không phải lừa đảo khách hàng. Như vậy, có lẽ việc trì hoãn trả tiền bằng cách “chờ phán quyết của tòa” của HĐQT Eximbank là rất đúng quy trình nhưng lại gây tổn thương lớn đối với người gửi tiền tại ngân hàng này nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng. Đặc biệt, qua cách xử lý đó có thể làm giảm không ít giá trị của thương hiệu Eximbank.

Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.