Cẩm nang dạy cách “truy sát khách hàng”
Tiếp tục phiên xử vụ án Công ty Địa ốc Alibaba liên quan đến hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “rửa tiền”, HĐXX tiến hành thẩm vấn bị cáo Huỳnh Thị Ngọc Như (phó tổng giám đốc đào tạo Công ty Alibaba) về cuốn “cẩm nang kỹ năng bán hàng” sử dụng trong công tác đào tạo nhân viên.
Trước đó, Nguyễn Thái Luyện đã trình bày trước tòa về việc biên soạn cuốn “cẩm nang” để phổ cập luật đất đai cho nhân viên cũng như chia sẻ các kỹ năng bán hàng. Nguyễn Thái Luyện bổ nhiệm Huỳnh Thị Ngọc Như làm phó tổng giám đốc phụ trách mảng đào tạo của Công ty Alibaba, giao Như sử dụng “cẩm nang” này làm tài liệu bồi dưỡng kỹ năng chào bán các sản phẩm của công ty.
Bị Cáo Nguyễn Thái Luyện tại phiên tòa (hình: Vietnamnet)
Theo báo Người lao động, HĐXX yêu cầu bị cáo Như làm rõ một số nội dung có trong cuốn cẩm nang như “phương pháp sale phone”, “phương pháp treo đầu dê, bán thịt chó" và "phương pháp truy sát khách hàng".
Trình bày trước tòa, Như giải thích "phương pháp sale phone" là cách gọi điện thoại cho khách hàng để chào bán đất dự án. Khi kiểm sát viên hỏi về tần suất, cách thức gọi điện cụ thể, Như không trả lời. Về "phương pháp treo đầu dê, bán thịt chó" và "phương pháp truy sát khách hàng", Như quanh co chối rằng "không nhớ", "không hiểu".
HĐXX đã cung cấp cẩm nang này cho Như đọc lại. Bị cáo Như nói rằng mình chỉ có nhiệm vụ "truyền đạt", nếu nhân viên thấy phù hợp thì làm; bản thân không áp dụng những kinh nghiệm Luyện dạy để bán đất.
Khi đại diện VKSND TP.HCM hỏi về việc tổ chức họp báo vào ngày 19/9/2019 để phát sóng trực tiếp trên YouTube với thông tin sai sự thật, che giấu khách hàng về sai phạm của Nguyễn Thái Luyện ngay sau khi Cơ quan CSĐT thi hành lệnh bắt bị can, khám xét trụ sở Công ty Alibaba và các chi nhánh, Như phủ nhận và cho rằng mình chỉ trấn an khách hàng "như lời Luyện dặn trước đó".
Bị cáo xin sang làm bị hại
Trong quá trình trả lời thẩm vấn, nhiều bị cáo đề nghị HĐXX đưa bản thân và người thân vào danh sách bị hại và giải quyết bồi thường cho mình.
Ghi nhận của Zingnews, bị cáo Trịnh Minh Pháp (giám đốc Công ty 108) cho biết đã đầu tư gần 7 tỉ đồng để mua các sản phẩm tại dự án do công ty Alibaba mở bán để được hưởng chính sách ưu đãi cho nhân viên.
“Trong số tiền đã đầu tư vào các dự án của Công ty Alibaba có hơn 2 tỉ đồng do vợ bị cáo đứng tên trên các hợp đồng, thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tiền này là tiền gia đình vợ của bị cáo, trong đó có 1,2 tỉ đồng do người quen góp vốn, số tiền còn lại là tiền bị cáo cầm cố căn nhà duy nhất của cha mẹ để đầu tư vào công ty”, bị cáo Pháp trình bày, đề nghị HĐXX đưa bị cáo, vợ và những người thân vào danh sách bị hại và giải quyết bồi thường cho mình.
Các bị cáo trong phiên xét xử (hình: N.Nhi/PLO)
Tương tự, theo Vietnamnet, Bị cáo Nguyễn Trung Trường, Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Long Thành Capital (công ty con của Alibaba) khai nhận, mình cùng vợ đã đầu tư 9 lô đất trong các dự án của Nguyễn Thái Luyện với số tiền hơn 2 tỉ đồng.
Bị cáo Vũ Hoàng Hải, Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản BigBag (công ty con của Alibaba) cho biết, trong quá trình làm việc tại đây, do thấy nhiều khách hàng và các nhân viên khác trong công ty cũng đầu tư nên đã gom góp số tiền hơn 1 tỉ đồng để mua dự án của Luyện.
Bị cáo Hải cho biết nhờ mẹ ruột đi cầm cố lô đất ở quêđể đầu tư 2 lô đất cũng thuộc dự án của Nguyễn Thái Luyện. Khi vụ án bị khởi tố, bị cáo Hải phải giao nộp 5 lô đất đã mua cho cơ quan chức năng. Trong khi đó, mẹ của bị cáo Hải vẫn phải "gồng gánh" trả tiền lãi ngân hàng số tiền trước đó đã cầm cố lô đất ở quê để cho Hải đem đi đầu tư. Bị cáo Hải xin HĐXX xem xét cho bị cáo được lấy lại số tiền này để đưa cho mẹ ở quê trả nợ ngân hàng.
Đa số các bị cáo đều cho biết không nhận thức được hành vi của mình vi phạm pháp luật mà chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Nguyễn Thái Luyện. Trong phiên thẩm tra lý lịch, nhiều bị cáo giữ chức vụ cao trong các công ty của Alibaba cho biết trình độ học vấn chỉ mới hoàn thành lớp 12, chưa có bằng cấp hoặc được đào tạo về bất động sản vào thời điểm được bổ nhiệm.
-
Những con số biết nói trong vụ án lừa đảo, rửa tiền của Công ty Alibaba
Phiên tòa xét xử vụ án Công ty Alibaba kéo dài 1 tháng từ ngày 8/12/2022 đến 6/1/2023. Đây được xem là phiên tòa kỷ lục trong lịch sử tố tụng với những con số và nhiều điều chưa từng có tiền lệ.
-
Bất động sản và những cú lừa ngoạn mục
Thị trường bất động sản (BĐS) được xem là “mỏ vàng” cho các nhà đầu tư. Nhưng mặt trái của thị trường này là sự phức tạp, tính rủi ro cao và là miếng mồi béo bở cho những kẻ đầu cơ, trục lợi. Nhiều người chạy theo cơn sốt của thị trường BĐS, nhưng do...
-
272 miếng kim loại vàng và loạt tài sản của Nguyễn Thái Luyện đang được tạm giữ để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường vụ công ty địa ốc Alibaba
Cục Thi hành án dân sự TP.HCM thông tin về việc tạm giữ các tài sản để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường của bị án Nguyễn Thái Luyện gồm: hơn 57 tỷ đồng; 272 miếng kim loại vàng, 8 ô tô các loại, 2 xe máy SH, 18 điện thoại di động,…...
-
Tuyên án vụ Công ty địa ốc Alibaba: Vợ Nguyễn Thái Luyện được giảm 9 năm tù
Kết thúc phiên phúc thẩm vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền” liên quan đến công ty địa ốc Alibaba, bị cáo Võ Thị Thanh Mai và nhiều bị cáo khác được giảm nhẹ hình phạt, riêng bị cáo Nguyễn Thái Luyện vẫn y án chung thân....