16/08/2018 7:55 AM
CafeLand - Bộ Tài chính vừa đưa ra dự thảo lần 2 Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước (Siêu Uỷ bản). Trong đó, số tổng công ty chuyển về cơ quan này quản lý đã giảm từ 21 xuống 19 so với dự thảo lần 1.

Hai doanh nghiệp không còn nằm trong danh sách quản lý của Siêu Uỷ ban là Tổng công ty viễn thông VTC và Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM).

CIPM là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Với tổng số vốn điều lệ 1.500 tỉ đồng, CIPM được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thành lập theo Quyết định số 1589/QĐ-BGTVT ngày 20/72011 trên cơ sở chuyển đổi Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý và Sửa chữa cầu đường 715 và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý và Khai thác cầu Cần Thơ.

Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước

Hiện Tổng công ty Cửu Long, một trong những đơn vị quản lý dự án và đầu tư chủ lực của Bộ GTVT với những dự án trọng điểm mang tầm cỡ Quốc gia như dự án cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, đường Xuyên Á, đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, Nam Sông Hậu, Hành lang ven biển phía Nam, dự án kết nối đồng bằng sông Mekong… Công ty này đang được Bộ GTVT yêu cầu tiến hành tái cơ cấu, thay đổi mô hình tổ chức sau 5 năm hoạt động.

Vào tháng 9/2016, Bộ GTVT đã thay đổi cả 2 nhân sự chủ chốt của đơn vị này. Cụ thể, bổ nhiệm ông Phạm Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm quyền Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cửu Long. Cho ông Dương Tuấn Minh, thành viên HĐTV Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long thôi việc theo nguyện vọng cá nhân và không được bổ nhiệm lại. Ông Trần Văn Thi – Phó tổng giám đốc, thành viên HĐTV Tổng công ty làm quyền tổng giám đốc.

Trong số 19 đơn vị tiếp tục nằm trong diện quản lý của Siêu Ủy ban theo dự thảo mới có Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Trực thuộc Ủy ban vốn, SCIC vẫn tiếp tục là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng được chuyển giao từ các bộ, UBND cấp tỉnh.

Trong số này có 7 tập đoàn lớn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Tổng công ty viễn thông MobiFone, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Cảng Hàng không, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.

Theo dự thảo này, việc chuyển giao quyền, trách nhiệm cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước phải đảm bảo thực hiện nhanh gọn, chặt chẽ và cụ thể; có kế thừa; không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh; tiến độ thực hiện lộ trình sắp xếp, chuyển đổi, cơ cấu lại vốn của doanh nghiệp... Thời điểm chuyển giao và việc lập hồ sơ chuyển giao là khi doanh nghiệp lập báo cáo tài chính quý, năm.

Đúng theo kế hoạch, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã được lập từ tháng 2/2018, ông Nguyễn Hoàng Anh, cựu Bí thư tỉnh uỷ Cao Bằng giữ chức Chủ tịch Uỷ ban. Uỷ ban này sẽ nắm giữ khối tài sản lên tới 1,5 triệu tỉ đồng của 19 Tổng công ty nêu trên nếu dự thảo được thông qua.

Từng có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh câu chuyện thành lập “Siêu Uỷ ban” bởi khối quyền lực quá lớn và nó được tập hợp lại. Người phản đối thì tỏ ra nghi ngờ về năng lực quản lý doanh nghiệp của Siêu uỷ ban này và lo ngại lại chỉ như SCIC? Cùng với đó, các Tổng công ty, Tập đoàn sẽ có thêm 1 cấp quản lý nữa, tạo cơ chế xin cho.

Cũng có ý kiến ủng hộ, cho rằng việc thành lập một Uỷ ban quản lý hiệu quả vốn nhà nước là cần thiết. Tuy nhiên, vị này cũng đề xuất, đi cùng với trách nhiệm lớn, Uỷ ban này cần được cấp nhiều quyền lực hơn và nên nằm trực tiếp dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nếu không sẽ dễ trở thành một SCIC thứ 2.

Đình Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.