Ảnh minh hoạ.
Theo đó, VPBank lên phương án chào bán 1.190.500.000 cổ phiếu với giá chào bán dự kiến là 30.159 tỷ đồng. Tổng số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán là 35.904 tỷ đồng.
Thời gian chào bán dự kiến được thực hiện trong quý 3 – quý 4 năm 2023 sau khi Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho SMBC mua cổ phần của VPBank và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
Với tổng số tiền thu được gần 36.000 tỷ đồng từ việc chào bán cổ phiếu cho SMBC, VPBank sẽ ghi nhận vốn điều lệ tăng thêm 11.905 tỷ đồng, ghi nhận vào thặng dư vốn cổ phần 23.999 tỷ đồng.
Về phương án sử dụng, VPBank sẽ bổ sung hơn 34.999 tỷ đồng vào nguồn vốn trung và dài hạn để phục vụ nhu cầu cho vay/cấp tín dụng cho khách hàng; 905 tỷ đồng đầu tư vào hạ tầng, cơ sở vật chất, phát triển hệ thống công nghệ thông tin lớn… phục vụ cho nhu cầu phát triển của Hội sở và mạng lưới chi nhánh, trang bị các máy móc thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu của khách hàng, mở rộng sửa chữa, cải tạo hệ thống mạng lưới chi nhánh.
Trước đó, vào cuối tháng 3/2023, ngân hàng VPBank đã tổ chức lễ ký kết thoả thuận phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) – thuộc tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group, Inc (SMFG) của Nhật Bản. Đây được đánh giá là một trong những thương vụ bán cổ phần cho đối tác ngoại lớn nhất trong lĩnh vực tài chính ngân hàng Việt Nam năm 2023.
Khoản đầu tư từ SMBC sẽ mang lại cho VPBank 35.900 tỷ đồng vốn cấp 1 với giá 30.160 đồng/cổ phiếu, nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103.500 tỷ đồng lên gần 140.000 tỷ đồng. Qua đó, đưa VPBank trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam, sau Vietcombank.
Tại đại hội cổ đông 2023, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank Ngô Chí Dũng cho biết, ngân hàng đã nhận đặt cọc 10% (3.950 tỷ đồng), phần còn lại sẽ nhận được sau khi ngân hàng hoàn tất các thủ tục pháp luật về phát hành cổ phần riêng lẻ cho cổ đông nước ngoài. Dự kiến trong tháng 7 – 8, VPBank sẽ hoàn tất thương vụ, đối tác sẽ chuyển nốt số tiền còn lại để VPBank thực hiện tăng vốn.
Trước đó, vào năm 2021, Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC – công ty con của SMFG – cũng đã mua lại 49% cổ phần tại FE Credit, công ty tài chính tiêu dùng của ngân hàng VPBank.
Năm 2023, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 24.003 tỷ đồng, tăng 13% so với thực hiện năm 2022.
VPBank cũng định hướng chia cổ tức tiền mặt trong 5 năm liền. Lãnh đạo VPBank cho biết ngân hàng có đủ vốn để duy trì tăng trưởng cao trong 5 năm tiếp theo và chia cổ tức tiền mặt cho các cổ đông.
Về kết quả kinh doanh quý 1/2023, ngân hàng mẹ hoàn thành kế hoạch còn FE Credit tiếp tục ghi nhận lỗ. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ tăng từ 2,19 lên 2,6%. Tỷ lệ nợ xấu quý 1 tăng cao và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong quý 2, giảm dần trong hai quý cuối năm về mức 2,2%.
-
Lãnh đạo VPBank cho biết, ngân hàng đầu tư trái phiếu và cho vay bất động sản nhưng 100% đều có tài sản đảm bảo do ngân hàng quản lý. Riêng đối với Novaland, hiện ngân hàng vẫn đang quản lý dòng tiền của các khách hàng mua nhà của Novaland, đồng thời phối hợp với các cơ quan để tháo gỡ khó khăn cho tập đoàn này.