03/11/2014 5:06 PM
CafeLand - Dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Nhiều ông lớn đã xúc tiến các thương vụ mua bán và sáp nhập có giá trị lớn, trong đó, đáng kể nhất là nhà đầu tư từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.

Nhà đầu tư nước ngoài đang chú ý đến thị trường bất động sản Việt Nam

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, trong đó lĩnh vực bất động sản đứng thứ 2 với 29 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,22 tỷ USD, chiếm 8,9% tổng vốn đăng ký.

Theo ý kiến của các chuyên gia, dù trải qua thời gian thăng trầm kéo dài nhưng bất động sản Việt Nam vẫn đang khá hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam thông qua nhiều hình thức.

Đáng chú ý nhất trong thời gian gần đây có thể kể đến thương vụ tập đoàn bán lẻ Berli Jucker Thái Lan mua lại Metro Cash & Carry với giá 877 triệu USD. Hay Lotte đã mua lại Diamond Plaza nhưng giá trị thương vụ này chưa được tiết lộ. Ở phân khúc văn phòng, Tập đoàn Daibiru của Nhật Bản mua lại phần văn phòng tòa nhà Corner Stone từ VIBank với giá trị 60,1 triệu USD...

Ông Neil MacGregor, giám đốc điều hành của Savills nhận định trong khi Việt Nam đang ở điểm đáy của chu kỳ bất động sản, nhiều thị trường khác ở Châu Á lại nằm ở đỉnh của chu kỳ và có thể giảm trong vài năm tới, triển vọng phục hồi của thị trường khiến Việt Nam đang thu hút khá nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các phân khúc khách sạn và văn phòng.

Theo báo cáo CBRE, thị trường văn phòng trong quý 3/2014 tiếp tục ghi nhận những cải thiện về giá thuê trung bình. Giá thuê trung bình cho thấy sự cải thiện rõ rệt đối với cả hạng A và hạng B khi tăng lần lượt là 3,7% và 2,2% so với cùng kì năm trước, trong đó, các công ty đến từ Mỹ thống lĩnh thị trường với hơn 50% yêu cầu thuê đến từ nhóm này.

Với phân khúc khách sạn, lượng du khách cả trong và ngoài nước đang tăng nhanh khiến nhà đầu tư đẩy mạnh hoạt động vào khách sạn tại trung tâm các thành phố lớn hay khu nghỉ dưỡng tại các thành phố biển. Theo thống kê của Tổng Cục Du lịch, lượng du khách đến Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2014 ước đạt 6.062 lượt, tăng 10,42 % so với cùng kỳ năm 2013.

Dù vậy, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, ông Marc Townsend, đánh giá, hiện các nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng khi đầu tư vào Việt Nam. Họ chỉ bước từng bước và có tầm nhìn cũng như kế hoạch dài hơn. Nhưng với những chính sách mới hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài của chính phủ Việt Nam, về lâu dài sóng FDI vào Việt Nam sẽ có xu hướng mạnh dần.

Ngoài ra, với việc luật Đất đai mới có hiệu lực từ ngày 01/07/2014, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được giao đất cho việc đầu tư vào các dự án nhà ở để bán sẽ giúp thị trường bất động sản Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư. Việt Nam đang tiến hành đàm phán để gia nhập hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Một khi hiệp định được ký kết, nó sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng của nền kinh tế cả nước cũng như gia tăng dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản nói riêng.

Đỗ Hương
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: FDI
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.