Báo cáo tổng kết ngành ngân hàng năm 2011 của NHNN đưa ra nhiều số liệu tăng trưởng cơ bản của hệ thống NHTM như tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán,… Nhưng điều khá lạ là NHNN không cập nhật số liệu huy động vốn cũng như tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động của hệ thống NHTM. Giới ngân hàng đặt ra câu hỏi phải chăng vốn huy động của hệ thống NHTM sụt giảm mạnh trong những tháng cuối năm nên NHNN ngại đưa ra?

Thắc mắc trên là có cơ sở khi những tháng cuối năm tâm lý người gửi tiền bị xao động trước thông tin sáp nhập một số ngân hàng nhỏ, dù nhiều lần NHNN khẳng định sẽ đảm bảo an toàn hệ thống.


Đặc biệt, những tháng cuối năm thị trường vàng lại có nhiều biến động càng kích thích người dân đổ xô đi mua vàng. Trước tháng 11-2011, hoạt động ngân hàng chứng kiến 2 tháng liên tiếp huy động vốn sụt giảm.


Vốn huy động ngân hàng sụt giảm?
Ảnh minh họa: LÃ ANH.

Liệu trạng thái đó có tiếp tục thể hiện những tháng cuối năm? Phía sau những câu hỏi đó còn phản ánh một phần niềm tin của người dân vào VNĐ, sự hấp dẫn của lãi suất khi cơ chế trần được thực hiện nghiêm túc.


Tuy nhiên, điều này đã được giải đáp phần nào khi đầu tuần này số liệu thống kê của UBND TPHCM cho biết huy động vốn trên địa bàn năm 2011 ước đạt 886.900 tỷ đồng, tăng 1,8% so tháng trước, tăng 10% so năm 2010. Vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 24,7%, tăng 8,2% so cùng kỳ.


Vốn huy động VNĐ chiếm 75,3% tổng vốn huy động, tăng 10,6% so cùng kỳ, trong đó tiền gửi tiết kiệm tăng 22,9%, chiếm 36,2%. Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 12 ước đạt 753.800 tỷ đồng, tăng 2,1% so tháng trước, tăng 6,3% so cùng kỳ năm 2010. Nếu so sánh với Hà Nội, cả huy động vốn và dư nợ tín dụng của TPHCM đều cao hơn.


Đánh giá về số liệu này, theo một lãnh đạo ngân hàng cổ phần, từ trước đến nay TPHCM thường tăng trưởng tín dụng cao hơn huy động, trong khi Hà Nội huy động vốn cao hơn cho vay. Do vậy, không ít NHTM có chi nhánh ở Hà Nội tập trung huy động rồi điều chuyển vốn huy động về TPHCM để cho vay.


Nhưng với số liệu huy động vốn của TPHCM tăng 22,9% ở tiền gửi tiết kiệm là khả quan. Dù chưa có số liệu chính thức toàn hệ thống nhưng có thể thấy dòng vốn huy động của hệ thống NHTM sụt giảm quá lớn so với cùng kỳ năm trước.


Thực tế những tháng gần đây dòng vốn tiền gửi có xu hướng chuyển dịch sang đầu tư vàng khi giá vàng thế giới giảm mạnh, nhưng người bán vàng lại là các NHTM và thường yêu cầu người mua vàng phải gửi lại ngân hàng. Nên tính trên tổng vốn huy động (bao gồm huy động vàng bằng chứng chỉ quy ra tiền đồng) vẫn tăng.


NHNN cho biết dù thời điểm cuối năm nhu cầu vốn khả dụng tăng cao, các doanh nghiệp có xu hướng rút vốn ra khỏi ngân hàng nhưng thanh khoản VNĐ toàn hệ thống về cơ bản được đảm bảo. Một số tổ chức tín dụng có khó khăn thanh khoản tạm thời do mất cân đối về kỳ hạn giữa huy động vốn ngắn hạn và cho vay trung, dài hạn (do huy động vốn từ các tổ chức và dân cư giảm, huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng chưa đủ bù đắp) nhưng đã được NHNN hỗ trợ kịp thời thông qua tái cấp vốn và nghiệp vụ thị trường mở.


Thanh khoản ngoại tệ cũng đã cải thiện sau khi NHNN thực hiện một số biện pháp kiểm soát tín dụng bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, nhiều NHTM thừa nhận việc huy động vốn bắt đầu căng thẳng hơn khi dòng vốn những tháng cuối năm có xu hướng tăng chậm, thậm chí sụt giảm.


Đó không phải chỉ vì người dân có xu hướng rút tiền tiết kiệm mua vàng, mà còn vì đã tái diễn tình t\rạng vượt rào lãi suất huy động với hình thức “lách luật” tinh vi và kín đáo hơn. Do vậy, nhiều NHTM kiến nghị công tác thanh tra, giám sát về lãi suất huy động của các NHTM cần được NHNN thực hiện quyết liệt hơn, lập lại kỷ cương thị trường, các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng phản ánh đúng bản chất.

Theo Thanh Như (SGĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh