Nhiều
chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam hiện khá
thích hợp cho một cuộc “đổ bộ” của các nhà đầu tư nước ngoài, khi nhiều
dự án BĐS đã lên kế hoạch chuyển nhượng do thiếu vốn trầm trọng. Thế
nhưng, trái với dự báo, trong 2 tháng đầu năm nay, chỉ duy nhất một dự
án FDI đầu tư vào BĐS, với vốn đăng ký 100.000 USD, một con số được coi
là quá nhỏ, ghi nhận sự “tụt dốc” so với thời kỳ hoàng kim vào năm 2008,
khi lượng vốn FDI đăng ký đầu tư vào BĐS đạt trên 23 tỷ USD.
Phải chăng BĐS Việt Nam đã không còn sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài?
Ông
Phan Hữu Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài thuộc
Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận xét, tình trạng thiếu vốn
triển khai dự án đã tác động không chỉ với doanh nghiệp trong nước, mà
cả nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
“Thị
trường BĐS xấu đi khiến các nhà đầu tư nước ngoài cần có sự điều chỉnh.
Họ buộc phải tạm dừng đầu tư hoặc kéo dài tiến độ triển khai để chờ cơ
hội”, ông Thắng nói.
Theo
nhiều chuyên gia, sự sụt giảm của dòng vốn FDI vào BĐS là do các nhà
đầu tư nước ngoài đang phải giải quyết những vấn đề nội tại nảy sinh từ
cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhiều nhà đầu tư chỉ đủ nguồn lực tập
trung vào các dự án đang triển khai. Mặt khác, thị trường BĐS Việt Nam
đang đương đầu với không ít khó khăn, như tính thanh khoản thấp, giao
dịch trầm lắng, chính sách thắt chặt tín dụng…, khiến các nhà đầu tư BĐS
ngoại e dè, có tâm lý nghe ngóng.
Bên cạnh đó, phân khúc mà các nhà đầu tư BĐS nước ngoài có thế mạnh là căn hộ, văn phòng cao cấp và BĐS nghỉ dưỡng đang có dấu hiệu bão hòa, dư cung.
Chờ cơ hội
Thế
nhưng, những động thái gần đây cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn
đang rình rập chờ cơ hội tiến vào thị trường Việt Nam. Đó là việc Tập
đoàn Las Vegas Sands của Mỹ đã loan báo muốn rót hàng tỷ USD đầu tư khu
nghỉ dưỡng phức hợp tại TP.HCM và Hà Nội kèm theo dịch vụ casino. Hay
như mới đây nhất, Công ty Đầu tư Trinity (Thái Lan) đã mở một quỹ trị
giá 30 triệu USD, với mục tiêu ưu tiên đầu tư hàng đầu là các dự án BĐS
giá rẻ tại Việt Nam.
Theo ông Oliver Smith, Giám đốc Đầu tư Trinity, cơ hội đang rộng mở với các nhà đầu tư nước ngoài ở thời điểm thị trường Việt Nam trầm lắng, một số nhà đầu tư và các quỹ đầu tư đang tìm cách rút khỏi thị trường này. “Nhiều quỹ đầu tư đang nắm trong tay một lượng lớn BĐS bị mất giá ở Việt Nam và muốn bán tài sản, khi các quỹ này tới gần thời điểm kết thúc hoạt động”, ông Oliver Smith nói.
Ông
Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cũng cho rằng, sắp
tới, vốn FDI vào BĐS sẽ tăng nhanh, bởi năm 2012 là năm kết thúc chu kỳ
suy thoái của thị trường. Một trong những tín hiệu cho thấy, dòng vốn
FDI sẽ quay lại với BĐS là việc thị trường liên tục chứng kiến các vụ
mua bán và sáp nhập trong lĩnh vực BĐS. Việc bán đi một dự án BĐS ở thời
điểm này sẽ mang lại cơ hội cho cả người mua lẫn người bán.
Đại
diện CBRE dự đoán, nguồn vốn FDI đầu tư vào BĐS năm 2012 sẽ tăng gấp 3
lần so với năm 2011, với sự nhập cuộc của khoảng 20 nhà đầu tư nước
ngoài.
Theo
ông Marc Townsend, đây là thời điểm thích hợp để các chủ đầu tư chuyển
nhượng dự án và cũng là thời điểm thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài
tham gia thị trường. “Các nhà đầu tư nước ngoài rất nhanh nhạy về thị
trường Việt Nam, chính vì thế, khi có cơ hội họ sẽ không bỏ phí. Chưa kể
thời gian qua có các quỹ đầu tư lớn cũng bày tỏ sự quan tâm đến thị
trường Việt Nam và đã tiếp xúc với nhiều chủ đầu tư”, ông Marc Townsend
nói.
Thị trường BĐS Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa, vẫn là “miếng bánh” ngon mà các nhà đầu tư ngoại đang nhắm tới. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, nên hiện tại vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp để họ gia nhập thị trường. Đây có thể coi là thời điểm “lặng gió” trước cuộc “đổ bộ” thâu tóm nhiều dự án BĐS của các nhà đầu tư ngoại.