Ảnh minh họa |
Trong tháng mở đầu năm 2013, các nhà đầu tư nước ngoài đã “rót” trên 280 triệu USD vào 8 ngành, lĩnh vực. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nhất với 21 dự án đầu tư mới, tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 202,9 triệu USD, chiếm 72,1% tổng vốn đăng ký trong tháng 1.
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 50 triệu USD, chiếm gần 17,8% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ ba là lĩnh vực hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với 2 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 13,9 triệu USD.
Trong số 17 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam trong tháng 1/2013, Nhật Bản vẫn là quốc gia dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 157,7 triệu USD, chiếm 56,1%; Thái Lan đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 54,2 triệu USD, chiếm 19,3% và Pháp đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 20 triệu USD, chiếm 7,1% tổng vốn đăng ký vào Việt Nam trong tháng 1.
Dự kiến, trong thời gian tới, dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên. Trong đó, ngoài các lĩnh vực truyền thống là công nghiệp chế biến, chế tạo, đối tác Nhật Bản còn đang thể hiện sự quan tâm đến lĩnh vực dịch vụ, bán lẻ của Việt Nam.
Khí thế đi lên của dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam đang tiếp tục được củng cố khi vào những ngày gần Tết này, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã công bố khả năng bùng nổ làn sóng đầu tư thứ ba của vốn đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam.
Cơ sở quan trọng cho dự báo này, theo ông Hirokazu Yamaoka, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội, là tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản tin vào tình hình kinh doanh tại Việt Nam sẽ cải thiện trong năm nay tăng 13,8 điểm so với năm trước và Việt Nam có tên trong hầu hết các kế hoạch mở rộng kinh doanh của các nhà đầu tư Nhật Bản trong các ngành chính là thông tin, phần mềm, bán buôn - bán lẻ sản phẩm, y tế…
Giới đầu tư nước ngoài cũng đang chờ đợi sự ra đời của Nghị quyết về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan hoàn thiện.
Trong yêu cầu về nội dung dự thảo này, Thủ tướng Chính phủ nhắc tới việc phải làm rõ những cơ chế, chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, phân công các bộ, cơ quan liên quan chủ trì nghiên cứu đề xuất, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đó. Mục tiêu quan trọng và rõ nhất là tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, không rõ ràng, bảo đảm môi trường đầu tư của Việt Nam không kém hấp dẫn hơn so với các nước trong khu vực.
Với sự khởi đầu thuận lợi của tháng đầu năm, các điều kiện cần để có một năm đổi mới toàn diện về công tác thu hút, quản lý FDI đang hội tụ. Trách nhiệm về sự sẵn sàng và trách nhiệm thực thi các chính sách của Chính phủ sẽ là điều kiện đủ để khí thế đang lên của dòng vốn FDI vào Việt Nam có cơ sở bền vững và đúng định hướng.