26/11/2011 12:50 AM
Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản trong 11 tháng qua chỉ chiếm 3,7% tổng nguồn vốn FDI mới được cấp phép và vốn tăng thêm của các dự án đang hoạt động, theo Cục Đầu tư nước ngoài.
Vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản giảm mạnh
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam giảm mạnh trong 11 tháng qua - Ảnh minh họa: Quốc Hùng
Báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 11 tháng qua cả nước có 919 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư và 324 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt 12,69 tỉ đô la Mỹ, giảm 16% so với cùng kỳ 2010.

Tình hình đảo ngược


Trong đó, lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, vốn luôn dẫn đầu số vốn đăng ký của các doanh nghiệp FDI trong nhiều năm qua, giờ đây lại rất thấp so với các lĩnh vực khác. Cụ thể trong 11 tháng qua tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm vào lĩnh vực bất động sản chỉ đạt 464,13 triệu đô la Mỹ, xếp thứ tư về lĩnh vực có vốn đầu tư nhiều vào Việt Nam, rất thấp so với ba lĩnh vực khác có vốn đăng ký trên 1 tỉ đô la Mỹ là công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất phân phối điện; và xây dựng.


Theo các cơ quan quản lý FDI, so với 4-5 năm trước, thì dòng vốn FDI vào bất động sản đã giảm mạnh. Cụ thể ở thời huy hoàng của bất động sản năm 2008, vốn FDI vào lĩnh vực này đạt mức cao nhất trên 23 tỉ đô la Mỹ. Ngay cả trong thời gian bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu của năm ngoái, bất động sản cũng chiếm phần lớn vốn FDI, đạt tổng cộng khoảng 6,84 tỉ đô la Mỹ và trở thành lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI nhất trong năm 2010. Tuy nhiên, ở thời điểm từ đầu năm 2011 đến nay thì tình hình đã thay đổi hoàn toàn.


Khó khăn vây bủa


Theo các chuyên gia trong ngành, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sụt giảm trên, trong đó có tác động của khó khăn kinh tế toàn cầu. Mặt khác, cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua có phần nguyên nhân từ đổ vỡ đầu tư – kinh doanh bất động sản, vẫn để lại một mối quan ngại chung trên thế giới. Nhiều nhà đầu tư đã tỏ ra rất thận trọng khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực bất động sản do triển vọng kinh tế không khả quan cũng như tình hình lạm phát và lãi suất tăng cao trong khi tính thanh khoản bị giới hạn do chính sách thắt chặt tín dụng của nhà nước.


Mặt khác, trong thời gian qua Chính phủ cũng đã đưa ra một số biện pháp thắt chặt và hạn chế dòng vốn tín dụng vào ngành phi sản xuất, trong đó lĩnh vực bất động sản được chú ý nhiều, dẫn đến cả nhà đầu tư và ngân hàng đều gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn và giải ngân.


Bất động sản không còn màu mỡ như xưa


Giải thích thêm cho việc sụt giảm nguồn vốn FDI vào lĩnh vực này, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản cũng cho rằng, lĩnh vực đầu tư bất động sản tại Việt Nam không còn màu mỡ như những năm trước do nguồn cung trên thị trường ngày càng nhiều và nhiều doanh nghiệp trong nước cũng tập trung 'rót' vốn vào lĩnh vực này với quy mô ngày càng lớn.


Với những lí do trên càng làm nổi bật thực tế là trong thời gian qua tại một số thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội, một số chủ đầu tư phải giảm giá bán căn hộ hoặc giảm tiền thuê mặt bằng ở các cao ốc văn phòng, nhiều dự án bị đình trệ và phải tạm dừng triển khai xây dựng do khó khăn trên hoặc do nhà đầu tư còn thăm dò thị trường hoặc thoái lui.


Theo một số công ty tư vấn bất động sản, thị trường văn phòng cho thuê, khách sạn… tại TPHCM và Hà Nội trong thời gian qua ít có dự án mới nào được khởi công trong khi các dự án đang thực hiện chủ yếu là do các nhà đầu tư cố gắng thực hiện các công trình dang dở của những năm trước.


Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 11 tháng qua, cả nước có 919 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 9,91 tỉ đô la Mỹ, bằng 84% so với cùng kỳ năm 2010. Cùng thời gian này, cả nước cũng có 324 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 2,78 tỉ đô la Mỹ, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.


Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 382 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 6,24 tỉ đô la Mỹ, chiếm 49,1% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 11 tháng.


Lĩnh vực sản xuất phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,53 tỉ đô la Mỹ, chiếm gần 20% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là lĩnh vực xây dựng với 119 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm khoảng 1,19 tỉ đô la Mỹ, chiếm 9,4%. Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 464,13 triệu đô la Mỹ, chiếm 3,7%.


Trong 11 tháng đầu năm nay, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được hơn 10 tỉ đô la Mỹ, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2010


Theo Quốc Hùng (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.