Lãi suất gửi ngân hàng (NH) giảm khiến dòng tiền chảy sang những kênh được dự báo có lợi nhuận nhiều hơn như vàng, USD.
Vốn chảy chỗ trũng

Một lượng lớn tiền gửi chuyển sang vàng - ảnh: D.Đ.Minh

Lợi thế cho NH lớn


Từ sau khi NH Nhà nước (NHNN) yêu cầu các NH thực hiện nghiêm lãi suất huy động về 14%/năm từ đầu tháng 9 và quy định lãi suất huy động kỳ hạn dưới 1 tháng không vượt quá 6%/năm, lượng vốn huy động của một số NH giảm so với trước. Ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank - cho biết lượng vốn huy động trong tháng 9 của NH giảm nhẹ so với tháng trước. Còn theo ông Lý Xuân Hải - Tổng giám đốc ACB, lượng vốn huy động tiền đồng có giảm nhẹ nhưng huy động tăng ở vàng và USD nên tổng huy động vẫn ổn định. Theo số liệu báo cáo của NHNN, trong tháng 9, tổng số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng giảm 1,07% so với tháng 8, tín dụng cũng giảm 0,9%.


Ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng trường Đại học Mở TP.HCM - nhận xét khi các NH cùng áp dụng một mức lãi suất giống nhau sẽ dẫn đến tình trạng dịch chuyển dòng vốn từ NH nhỏ sang NH lớn. Cùng mặt bằng lãi suất, các NH nhỏ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc huy động. Trước đây, người gửi tiền chấp nhận gửi tiền ở NH nhỏ vì lãi suất cao. Còn nay người gửi tiền sẽ lựa chọn NH lớn, có mạng lưới rộng, gần nhà... “Vũ khí” cạnh tranh qua lãi suất bị NHNN “thổi còi” nên các NH nhỏ sẽ khó huy động vốn hơn.


Nguyên nhân của cuộc đua lãi suất trước đây là một số NH nhỏ phải chạy lo thanh khoản, để giải quyết vấn đề thanh khoản của NH này, NHNN đã hỗ trợ thanh khoản tạm thời cho các NH vào cuối tháng 9 thông qua thị trường mở nên lãi suất trên thị trường liên NH có xu hướng giảm và ổn định ở mức lãi suất qua đêm 12 - 13%/năm, 1 - 2 tuần từ 13,5 - 14%/năm, 1 tháng từ 14,5 - 15%/năm. Ông Thuận cho rằng: “Việc can thiệp này của NHNN chỉ tạm thời, về lâu dài các NH phải tự huy động được nếu không muốn chết. Không biết thời gian tới, các NH nhỏ sẽ phải xoay xở như thế nào”. Gần đây, NHNN mạnh tay với các NH vượt trần lãi suất nhưng theo ban giám đốc của một số NH, tình trạng “đi đêm” lãi suất để hút vốn vẫn còn diễn ra ở mức độ tinh vi hơn.


Chảy vào vàng


Khi mức sinh lời của các khoản tiền gửi tiết kiệm giảm đi, sự kỳ vọng vàng tăng giá cao vào thời điểm cuối năm đã khiến một lượng khách hàng rút tiền tiết kiệm chuyển sang mua vàng. Có khoảng 300 triệu đồng tiền gửi tiết kiệm, chị Thanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tính toán gửi tiết kiệm mỗi tháng lãnh lãi khoảng 3,5 triệu đồng hay chuyển sang mua vàng khi giá đang sát 43 triệu đồng/lượng. Chị Thanh tính mua vàng sẽ được gần 7 lượng và kỳ vọng giá quay về mức cũ 47 - 49 triệu đồng/lượng đã lời mấy chục triệu. Tuy nhiên, chị đã không tính đến việc khi giá vàng giảm thì số tiền lời bằng tiền gửi tiết kiệm NH cũng không có.


Một phó tổng giám đốc NH cổ phần cho hay chỉ riêng một chi nhánh của NH này đã bị khách hàng rút khoảng 50 tỉ đồng chỉ trong vài ngày để mua vàng. Trong tháng 9, số tiền huy động của NH giảm vài trăm tỉ đồng so với tháng 8 và dòng tiền này chủ yếu chảy sang vàng. Vào tuần cuối tháng 9, giá vàng giảm mạnh về 43 triệu đồng/lượng dẫn đến người dân ùn ùn đi mua vàng và những ngày đó NH bị rút tiền gửi khá nhiều. Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng khi người dân rút tiết kiệm đi mua vàng, dòng tiền chuyển dịch từ gửi ngắn hạn sang không kỳ hạn nhưng số tiền này vẫn vào hệ thống NH.

Theo Thanh Xuân ( Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland