Ở hầu hết các dự án sân golf tại TPHCM, diện tích đất dành cho xây dựng nhà ở vượt quá 10% tổng diện tích đất toàn dự án
Thực tế hiện nay là tiến độ triển khai xây dựng các dự án sân golf đã được cấp phép trên địa bàn TPHCM quá chậm trễ.
Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do các chủ đầu tư chỉ tập trung “chăm lo” xây dựng biệt thự, nhà ở trong dự án.


Sân golf An Phú sau gần 10 năm cấp phép đến nay vẫn là bãi đất đầy cỏ
Ưu tiên biệt thự, căn hộ
Án ngữ một quãng dài mặt tiền đường Đỗ Xuân Hợp, dự án khu liên hợp sân golf, thể dục thể thao và nhà ở (dự án sân golf An Phú) nằm trên địa bàn quận 2 - TPHCM do Công ty CP Đầu tư - Phát triển Sài Gòn (SDI) làm chủ đầu tư, có diện tích hơn 132 ha nằm ở vị trí đắc địa mà bất cứ nhà đầu tư địa ốc nào cũng ao ước.
Ngoài việc kế cận đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây rộng 120 m trong tương lai, dự án sân golf này còn là điểm đón đầu phía Đông đường hầm Thủ Thiêm (đại lộ Đông Tây) nối vào trung tâm TP.
Mang tên “khu liên hợp sân golf, thể dục thể thao và nhà ở”, thế nhưng dự án sân golf An Phú sau 10 năm được cấp phép, đến nay chủ đầu tư vẫn chỉ đang tập trung vào thực hiện... vế sau của tên gọi dự án, tức là nhà ở.
Điều này thể hiện qua việc chi trả tiền thuê đất cho Nhà nước: Sau 9 năm triển khai, chủ đầu tư mới thanh toán tiền thuê đất cho diện tích 15 ha nhà ở, còn đất sân golf hơn 100 ha vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ này.
Trong hàng loạt văn bản liên quan đến dự án này, phần nhà ở luôn được nhắc đến như là ưu tiên hàng đầu. Công văn gửi UBND TP năm 2006, lãnh đạo Công ty SDI cho rằng chỉ tiêu xây dựng 50 căn biệt thự trên phần diện tích đất giao 22 ha như dự kiến ban đầu “sẽ gây nên một sự lãng phí tài nguyên đất rất lớn”.
Từ đó, SDI đề nghị điều chỉnh quy hoạch lên 193 biệt thự và căn hộ liên kế cao cấp cùng một khu nhà ở cao tầng.
Trong tờ trình xin phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án của chủ đầu tư, các hạng mục xây dựng địa ốc cũng nằm trong “top” đầu danh sách: Đất xây dựng biệt thự 147.600 m2; đất xây dựng nhà liên kế có sân vườn 5.800 m2; căn hộ cao cấp 15 tầng 6.650 m2; khách sạn 12 tầng 2.600 m2...
Tháng 7-2009, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP ban hành kết quả thẩm định quy hoạch chi tiết đối với dự án sân golf An Phú, trong đó mục tiêu “giải quyết nhu cầu nhà ở cao cấp” được thể hiện rõ qua 52 căn biệt thự loại A, 106 căn biệt thự loại B, 32 căn nhà liên kế có sân vườn và biệt thự khác, 132 căn hộ chung cư cao tầng và 400 phòng khách sạn.
Như vậy, diện tích dành cho nhà ở tại dự án sân golf An Phú chiếm tới 19,17% đất được giao, nếu so với quy định vừa được Chính phủ ban hành thì phần diện tích này vượt gần gấp đôi.
Nhập nhằng giá đền bù
Chiều 26-9, có mặt tại khu đất được quy hoạch làm sân golf An Phú, chúng tôi ghi nhận phần đất dùng xây dựng nhà ở đã được chủ đầu tư khởi động với hệ thống hạ tầng giao thông và đèn điện chiếu sáng, còn diện tích đất làm sân golf thì trải dài ngút tầm mắt với lau lách, ao, gò...
Một phụ nữ sống trong căn nhà lá thuộc vùng giải tỏa của dự án đang ôm rổ ốc mới mò được, chỉ tay về phía có những cột đèn mới mọc lên, nói: “Đất ở bên đó có giá 12 triệu đồng/m2, chỗ chúng tôi đây, họ chỉ đền bù có vài trăm ngàn đồng một mét vuông. Thật vô lý”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay, chủ đầu tư đã thực hiện bồi thường được hơn 109,3370 ha/139 ha, đạt 94% diện tích đất dự án. Tuy nhiên, tính đến tháng 8-2010, các hộ dân có đất bị giải tỏa trong dự án đã 26 lần làm đơn gửi cơ quan chức năng khiếu nại chủ đầu tư và UBND quận 2.
Những hộ dân trên mặt tiền đường Đỗ Xuân Hợp cho biết giá đất thị trường khu vực này đã lên trên 20 triệu đồng/m2 nhưng đất của họ vẫn được tính đền bù theo khung giá năm... 1995, với 150.000 đồng/m2 (chưa tính mức hỗ trợ thêm tùy từng trường hợp).
Bà Nguyễn Thị Tùy (ngụ tổ 29, phường An Phú) đặt vấn đề: “Dự án này không sử dụng nguồn ngân sách quốc gia, không phục vụ an ninh quốc phòng hay an sinh xã hội. Thế nhưng không hiểu vì sao chủ đầu tư và UBND quận 2 lại áp cho chúng tôi với giá quá rẻ?”.
Liên quan đến việc bồi thường đất tại dự án sân golf An Phú, ngày 5-3-2010, TAND TPHCM đã tuyên hủy các quyết định hành chính số 5224 (ngày 11-7-2008) và 9532 (ngày 10-11-2008) của UBND quận 2 vì bồi thường, hỗ trợ thiệt hại chưa đúng quy định pháp luật đối với trường hợp của bà Lê Thị Hoàng và 5 hộ dân khác có đất bị thu hồi trong dự án.

- Việc xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động sân golf chỉ được sử dụng đất đã giao để xây dựng sân golf; không được sử dụng đất đã cấp cho làm sân golf xây dựng nhà, biệt thự để bán, chuyển nhượng.

- Tỉ lệ diện tích đất dành để xây dựng nhà ở thấp tầng cho thuê trong tổng diện tích đất sân golf mà chủ đầu tư được giao đất hoặc cho thuê tối đa không quá 10%...
(Trích Công văn 8170/VPCP-ĐP của Văn phòng Chính phủ ngày 16-11-2009 về việc quy hoạch sân golf tại Việt Nam đến năm 2020)

Không cá biệt

Dự án sân golf An Phú không phải là trường hợp cá biệt. Dự án sân golf Sing Việt tại huyện Bình Chánh - TPHCM rộng 300 ha nhưng diện tích đất sân golf chỉ có 70,01 ha, còn lại là trường đua ngựa 69,32 ha và khu dân dụng (nhà ở, nhà tái định cư, công trình công cộng, công viên cây xanh, giao thông, sân bãi) chiếm đến 160,67 ha. Đến nay, diện tích đã bồi thường giải phóng mặt bằng chỉ mới đạt 50% và quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 cũng ưu tiên cho giai đoạn 1 là khu nhà ở.
Sân golf Lâm Viên tại quận 9 có diện tích 120 ha, trong đó đất xây dựng khu biệt thự cho thuê và trung tâm hội nghị, hội thảo chiếm hết 36 ha. Chưa dừng lại, chủ đầu tư đang lập thủ tục xin chuyển mục đích khu phục vụ vui chơi giải trí (công viên nước và dã ngoại) rộng 34 ha sang đầu tư xây dựng khu nhà ở để kinh doanh.
Cafeland.vn - Theo Quý Lâm (NLĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland