Trong các vụ vỡ nợ mới xảy ra gần đây, không vụ nào là không có bóng dáng của bất động sản (BĐS). Có chuyên gia dự đoán rằng, "cơn sóng" khủng hoảng nhà đất lúc này đang lặp lại bóng dáng của cuộc khủng hoảng chứng khoán vài năm về trước.

Vỡ nợ “khủng“ liên tiếp lộ diện… đại gia bất động sản

Ảnh minh họa


Mỗi người một vẻ…


Trước khi tuyên bố vỡ nợ và bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Nguyễn Thị Minh Tâm (sinh năm 1961) là đại gia BĐS ở Bắc Ninh. Tâm có sàn giao dịch BĐS riêng, đồng thời là nhà đầu tư quen thuộc được các sàn giao dịch BĐS ở Hà Nội “chăm sóc” cẩn thận. Tâm từng lãi đơn, lãi kép thời điểm thị trường tốt. Tin rằng phận may luôn mỉm cười, Tâm không chỉ dùng tiền của mình đầu tư hàng chục lô đất, mà còn vay mượn của nhiều người và cầm tiền đầu tư giúp cho những người tin rằng Tâm “mát tay” đường đất cát.


Tạ Việt Quang và vợ là Bùi Thị Quyên cũng từng là những cái tên quen thuộc đối với nhiều đại gia BĐS. Trước khi bị khởi tố về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Tạ Việt Quang (sinh năm 1975, trú thị trấn Phùng, Đan Phương) nguyên là ông chủ nhiều DN kinh doanh ô tô, công ty du lịch, chủ tiệm vàng..., đồng thời là khách hàng VIP của nhiều công ty chuyên môi giới BĐS.


Theo nhận định của các cơ quan chức năng, nguyên nhân các vụ vỡ nợ xảy ra liên tiếp và lộ diện các vụ lừa đảo nhằm huy động tiền vốn là do Chính phủ thực hiện các giải pháp siết chặt tín dụng phi sản xuất, khiến cho thị trường BĐS đóng băng, giá nhà đất bị kéo xuống, các dự án nhà đất không được triển khai, thị trường mất khả năng thanh khoản…


Không có đại gia, ai thổi “sóng”?


Có thể thấy, trong mỗi đợt sóng trên thị trường BĐS đều có sự tiếp tay nhiều “đại gia”. Thị trường BĐS Hà Nội là nơi quy tụ được sự quan tâm của nhiều nhóm buôn lớn. Chính các nhóm buôn này tạo nên những đợt “sóng” trên thị trường, tạo ra chu kỳ lên xuống của thị trường BĐS.


Giá đất Hà Nội tăng tới mức ảo như hiện nay là kết quả các đợt làm giá của các đại gia BĐS. Kết quả, khi tín dụng bị siết chặt, thị trường mất thanh khoản, giá đất lại cắm đầu lao xuống, và “vật tế thần” đầu tiên của thị trường chính là những nhà đầu cơ không phải bằng vốn tự có, mà bằng tiền ngân hàng hoặc vay mượn.


Từ tuần đầu của tháng 9 đến đầu tháng 10/2011, đúng giữa lúc thị trường trầm lắng, đất nền dự án Vân Canh và Bắc An Khánh bất chợt nổi đình đám với mặt bằng giá tăng từ 7-10 triệu đồng/m2 mà không cần nhờ vào thông tin hỗ trợ từ quy hoạch hay việc triển khai công trình giao thông liên quan đến khu vực dự án. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, đợt "sóng" đó là kết quả hành động của những đại gia đang sốt ruột vì ôm hàng ở Vân Canh hay Bắc An khánh.


Tạo "sóng" để đẩy hàng, thế nên sau khi dồn sức tạo "sóng" mà thị trường không thanh khoản được, những vụ vỡ nợ bắt đầu xuất hiện. Theo nhận định của một chuyên gia kinh tế nguyên là một nhà quản lý về thị trường BĐS, nếu thị trường không có biến chuyển, thì từ giờ đến cuối năm sẽ còn xuất hiện nhiều vụ tuyên bố vỡ nợ.

Theo Tuấn An (PLVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.