Bị nợ tiền, nhà thầu bán trộm đất
Để thực hiện san lấp mặt bằng dự án, chủ đầu tư Dự án do Tập đoàn Rocky Lai & Associates-Đà Nẵng cùng các nhà đầu tư tại Hoa Kỳ đã ký hợp đồng với Cty Việt Trung Thắng (B). Sau đó, phía B tiếp tục “làm ăn” với 3 nhà thầu tư nhân khác (B’) để thực hiện công việc này là Cty TNHH Trọng Hoàng, Chí Vỹ và Nam Thịnh Tiến. Việc san lấp mặt bằng được tiến hành từ khoảng tháng 3-2014. Theo giám đốc Cty Nam Thịnh Tiến, ông Nguyễn Văn Đức: “Hợp đồng với chủ đầu tư, họ bảo 2 tháng thanh toán kinh phí một lần. Vậy nhưng chúng tôi đã bỏ ra hơn 3 tỷ đồng, thực hiện công việc được 1/3 diện tích (38,2ha) nhưng vẫn chưa nhận được đồng nào”. Nhiều lần làm việc và kiến nghị, phía BQL DA (Sở TT-TT) hứa hẹn trong tháng 9 sẽ hoàn trả kinh phí nhưng tháng 10 vẫn chưa thấy. “Trị giá gói thầu có 8 tỷ đồng, kinh phí nhà thầu bỏ ra đã gần một nửa, chủ đầu tư không thanh toán nên chúng tôi cho rút máy móc, thiết bị và nhân lực đi làm dự án khác hết rồi” - ông Đức cho biết thêm.
Không chi trả kinh phí cho các nhà thầu nên một trong 3 nhà thầu tham gia thi công mặt bằng đã lấy trộm đất cao lanh (khi tiến hành xúc ủi) để chở đi bán. Tuy nhiên, đã bị lực lượng chức năng của thành phố phát hiện, bắt chở ngược lại hoàn trả. “Đó chỉ là số lượng xe ít ỏi, họ chở đi nhiều lắm, mà thường chở vào ban đêm” - bà Trần Thị Diệu, nhà ngay cạnh dự án cho biết. Liên hệ với ông Đoàn của Cty Chí Vỹ để nắm thông tin nhằm cùng với doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, ông Đoàn nói: “Chuyện của Cty, chúng tôi tự lo!”.
Không chỉ những doanh nghiệp tham gia trúng thầu gặp khó, người dân trong vùng dự án bị di dời giải tỏa từ mấy năm nay cũng lâm vào cảnh khốn đốn vì cuộc sống quá khó khăn. Bà Trần Thị Toàn (70 tuổi), được bồi thường giải tỏa 96 triệu đồng, được bố trí đất nơi khác nhưng nền đất yếu, riêng làm móng đã gần 100 triệu đồng. Không có tiền, bà Toàn đành sống nhờ và đang phải gánh thêm đứa cháu mất cả mẹ và cha, đứa con gái là nạn nhân chất độc da cam nằm liệt giường trong khi không có công ăn việc làm. Còn đối với bà Trần Thị Diệu thì ngày ngày lên núi lấy củi về đun, nấu hoặc bán lấy tiền mua gạo, thức ăn...
Mặt bằng dự án Da Nang IT Park vắng như chùa Bà Đanh. Ảnh: Hà Minh
Chờ tiền từ... Mỹ
Dự án Da Nang IT Park được xây dựng tại xã Hòa Liên (H. Hòa Vang) trên địa hình đồi núi nhấp nhô. Trước đây, dự án do Sở TT-TT TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Nhưng chưa rõ vấn đề gì dự án “rơi” vào tay nhà đầu tư hiện nay là Tập đoàn Rocky Lai & Associates, Inc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và Tập đoàn KDDI (Nhật Bản) đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT.
Muốn có mặt bằng dự án này, ít nhất phải có 60% diện tích đồi núi được san lấp. Vì vậy, vốn đầu tư xây dựng hạ tầng cả 2 giai đoạn lên đến gần 300 triệu USD, dù diện tích chỉ 341ha (gần 1 triệu USD/ha). Dự án được khởi công xây dựng ngày 6-4-2013. Theo mô hình, đây là khu CNTT tập trung với cơ sở hạ tầng hiện đại mang tầm cỡ quốc tế đầu tiên của Đà Nẵng nhằm hiện thực hóa việc lấy công nghệ cao và CNTT làm mũi nhọn đột phá. Giai đoạn I sẽ tiến hành xây dựng trên diện tích 131ha trong 4 năm (2013-2017) với tổng vốn đầu tư 82 triệu USD, giai đoạn II thực hiện trong 6 năm (2017-2023) với tổng mức đầu tư 196 triệu USD trên diện tích 210ha.
Da Nang IT Park khi hoàn thiện sẽ bao gồm các phân khu chức năng: Sản xuất và dịch vụ CNTT, R&D - Vườn ươm - Dịch vụ Tư vấn, Khu Trung tâm, Khu ở chuyên gia, và khu Hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra, cảnh quan khuôn viên sẽ được thiết kế với không gian xanh, đường đi dạo quanh khu mặt nước cùng các tiện nghi ngoài trời, thể thao và cảnh quan thiên nhiên nhằm mang lại không gian thư giãn cho những người sống và làm việc trong Khu CNTT. Bên cạnh đó, là các phân khu chức năng: Khu Villa, nhà và căn hộ chung cư; Khu thể thao, giải trí, mua sắm, nhà hàng; ngân hàng, bưu điện, dịch vụ y tế; trường học có thể tiếp nhận học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12.
Tại lễ khởi công, ông Paul Ta, lúc đó là Phó Tổng Giám đốc điều hành Cty TNHH Phát triển CNTT Đà Nẵng cho rằng, 10 năm nữa, sau khi hình thành, Khu CNTT Đà Nẵng sẽ trở thành khu công nghiệp phát triển công nghệ cao theo mô hình của thung lũng Silicon tại Hoa Kỳ và Khu Công nghệ cao Hsinchu (Tân Trúc) tại Đài Loan và thu hút các nhà khoa học, kỹ sư và các chuyên gia về CNTT và công nghệ cao ở nước ngoài đến làm việc. Cũng theo ông này, sẽ có khoảng 100 doanh nghiệp hoạt động tại Khu CNTT, trong đó 5% doanh nghiệp lớn và tiềm năng, 95% doanh nghiệp vừa và nhỏ; tạo 25.000 việc làm (chuyên gia, kỹ sư và công nhân) với doanh thu ước đạt 3 tỷ USD/năm; bình quân 30 triệu USD/doanh nghiệp/năm...
Kế hoạch hoành tráng là vậy, nhưng với thực tế dự án đang triển khai thì dù người nào có giàu niềm tin đến đâu cũng khó mà đặt vào được. Theo ông Lý Khánh Linh - Trưởng BQLDA Da Nang IT Park, hiện nay khối lượng công việc đã thực hiện được khoảng 16 tỷ đồng, nhưng chủ đầu tư chưa chi trả kinh phí cho các nhà thầu. Vì vậy, đây là lần thứ 2 các nhà thầu ngưng thi công. “Phải chờ ông Paul Ta từ Mỹ qua mới biết chính xác là có tiền để trả cho các nhà thầu hay không” - ông Linh cho biết.
-
Dư hàng ngàn lô đất, vẫn chi tiền tỷ cho dân ở nhà trọ
Hàng loạt vấn đề nóng vừa được nêu ra trong ngày đầu tiên của kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân khóa VIII (nhiệm kỳ 2011 - 2016) TP Đà Nẵng khai mạc sáng qua. Theo đó, phá rừng, khai khoáng trái phép, đất vàng bỏ hoang, ô nhiễm bãi biển…, và đặc biệt tình trạng giấu đất tái định cư khiến các cử tri bất bình.
-
Thất vọng “thung lũng Silicon”
Cho đến thời điểm này, Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng (Da Nang IT Park) còn gọi là “thung lũng Silicon” đang “đóng băng” chưa biết lúc nào khởi động.