Khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được công bố, nhiều dự án rơi vào tình trạng không thể tiếp tục triển khai hoặc buộc phải thay đổi công năng sử dụng. Đây là hệ quả của phong trào làm dự án đón đầu quy hoạch.
Vỡ mộng nhiều đại dự án tại Hà Nội
Nhiều dự án ăn theo các tuyến đường giao thông đã không đạt kỳ vọng của chủ đầu tư

Lao theo quy hoạch


Suốt hơn 5 năm qua, các doanh nghiệp xây dựng ào ạt kéo quân lên các huyện ven đường Láng - Hòa Lạc (nay là Đại lộ Thăng Long) để làm đô thị.


Ông Đỗ Luật, nguyên Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Quốc Oai cho rằng, sở dĩ có phong trào này là xuất phát từ Quyết định số 855/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/9/2002 về việc phê duyệt định hướng quy hoạch chung xây dựng tuyến đường Láng - Hòa Lạc đến năm 2020. Theo đó, đây là tuyến đường cao tốc và là hành lang kỹ thuật nối Thủ đô Hà Nội với Khu đô thị Hoà Lạc, nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển chuỗi đô thị Miếu Môn - Xuân Mai - Hoà Lạc - Sơn Tây trong vùng Thủ đô Hà Nội. Vậy nên, từ năm 2005, khi tuyến đường Láng - Hòa Lạc mở rộng được khởi động cũng chính là thời điểm các dự án đô thị ven tuyến đường này ồ ạt ra đời.


Xa xôi hẻo lánh như các xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình cũng có gần 50 dự án, đồ án phát triển đô thị, trong đó có những dự án hàng ngàn héc-ta.


Trong các huyện nằm ven đường Láng - Hòa Lạc, Quốc Oai là huyện có nhiều dự án phát triển đô thị nhất, với gần 100 dự án, đồ án lớn nhỏ, tổng diện tích 8.523 héc-ta, chiếm 1/2 diện tích tự nhiên của huyện. Ở các huyện Đan Phượng, Thạch Thất, Hoài Đức, mỗi huyện cũng có vài chục đồ án quy hoạch phát triển đô thị lớn.


Vỡ mộng…


Theo Quy hoạch xây dựng chung Hà Nội thì hàng loạt dự án nằm trong vành đai xanh phải từ bỏ "giấc mơ đô thị". Điển hình là Dự án Khu đô thị Ngọc Liệp - Đồng Trúc với diện tích 2.300 héc-ta nay chỉ còn khoảng 700 héc-ta; Dự án Khu đô thị Thương mại Quốc Oai gần 1.000 héc-ta cũng không thể thực hiện vì vướng hành lang xanh, diện tích nằm gọn trong Khu đô thị sinh thái Quốc Oai.

Theo số liệu từ UBND huyện Quốc Oai, có hơn 5.000 héc-ta trong tổng số 8.523 héc-ta dự án, đồ án phát triển đô thị không được triển khai tiếp hoặc phải chuyển đổi công năng. Hàng loạt dự án đô thị lớn ở huyện Thạch Thất, trong đó có những dự án ở các xã mới sáp nhập từ tỉnh Hòa Bình về cũng chung số phận.

Tại huyện Hoài Đức, ông Bùi Văn Thông, Phó chủ tịch UBND huyện này cho biết, có hơn 20 đồ án quy hoạch đô thị với diện tích khoảng 2.000 héc-ta sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp với vành đai xanh sông Nhuệ.

Căn cứ Quy hoạch xây dựng chung Hà Nội, 4 dự án đô thị (gồm các Khu đô thị Thạch Phúc, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ) dọc trục đường Bắc - Nam do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư sẽ không thể thực hiện được, do nằm trong hành lang xanh và các khu đô thị sinh thái.

Treo đến bao giờ?

Từ năm 2008, phần lớn dự án, đồ án khu vực phía Tây Hà Nội phải tạm dừng triển khai để chờ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Khi Quy hoạch chung được ban hành lại tiếp tục chờ quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết vùng. Hàng trăm dự án, đồ án, đồng nghĩa với hàng trăm chủ đầu tư tiếp tục phải chờ đợi.

Tập đoàn Nam Cường là doanh nghiệp nếm trải điều này rõ nhất. Theo công văn gửi UBND TP. Hà Nội tháng 4/2011, Tập đoàn Nam Cường cho biết, mặc dù mới được giao 12 héc-ta tại Khu đô thị Thạch Phúc (huyện Phúc Thọ), nhưng Tập đoàn đã phải bỏ ra khoảng 1.000 tỷ đồng. Việc dự án tuyến đường và 4 dự án đô thị hoàn vốn phải tạm dừng để chờ quy hoạch, thời gian tạm dừng kéo dài làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, tạo ra tâm lý không tốt cho nhân dân trong vùng dự án. Chính vì vậy, Tập đoàn Nam Cường đề nghị TP. Hà Nội cho tiếp tục thực hiện dự án theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), được làm chủ 3 dự án đô thị sinh thái Quốc Oai, Phúc Thọ, Chúc Sơn, giao bổ sung quỹ đất để làm dự án hoàn vốn. Tuy nhiên, từ tháng 4/2011 đến nay, Tập đoàn vẫn chưa nhận được ý kiến của TP. Hà Nội.

Theo lãnh đạo một số huyện phía Tây Hà Nội, trong khi chờ quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng, nhiều dự án xây dựng hạ tầng, cụm, điểm công nghiệp của địa phương không thể thực hiện được. Ông Hoàng Sen, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết: "Xây dựng theo quy hoạch chung thì huyện không đủ điều kiện; không theo quy hoạch thì không được cơ quan quản lý quy hoạch thỏa thuận địa điểm".

Thực tế, từ đầu năm đến nay, do chờ đợi quy hoạch, người dân khu vực Hòa Lạc đã không thể làm, tách sổ đỏ, nên muốn bán đất rất khó khăn. Hiện giao dịch đất ở khu vực này rơi vào tình trạng "mò mẫm", khá rủi ro. Tình cảnh này chỉ chấm dứt khi có quy hoạch phân khu, nhưng bao giờ thì Viện Quy hoạch Hà Nội làm xong 17 quy hoạch phân khu này?

Theo Chu Thạch (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.