14/08/2012 7:41 AM
Tranh mua khi giá đắt, tốn bạc tỷ trang trí nội thất nhưng nay cho thuê ế ẩm, giảm giá không ai mua là tình cảnh cười ra nước mắt của giới đầu tư penthouse, căn hộ trên đất vàng hay biệt thự hạng sang.

Mua căn áp mái 300 m2 tại một dự án thuộc huyện Bình Chánh, TP HCM từ năm 2007, đến nay bà Bích mới thấm thía hết câu nói đầu tư bất động sản cao cấp lành ít dữ nhiều. Nếu trước đây phải xếp hàng chờ đăng ký mua giá 18 triệu đồng mỗi m2 thì nay căn penthouse của bà rao giá xấp xỉ 14 triệu đồng vẫn bị chê đắt.

Sau khi nhận căn biệt thự trên cao bà đổ thêm vào đây 2,5 tỷ đồng để trang trí nội thất. Vị chi suất đầu tư cả căn hộ lên đến 7,9 tỷ đồng. Thế nhưng cho thuê chẳng được bao lâu thì thị trường khủng hoảng, căn hộ áp mái của bà cứ rớt giá dần. "Vì kẹt vốn, đầu năm tôi rao bán nhà lẫn nội thất hơn 5 tỷ đồng vẫn không ai quan tâm", bà Bích chia sẻ.

Để hỗ trợ nhà đầu tư trong tình cảnh khó khăn, chủ đầu tư dự án này giúp bà Bích chẻ penthouse 300 m2 này thành các căn hộ nhỏ. Vì căn biệt thự áp mái này không thiết kế theo kiểu thông tầng mà trải rộng trên một sàn xây dựng, cộng thêm dự án chưa làm sổ hồng nên vẫn kịp giải cứu. Song ngay cả khi chia nhỏ thành căn hộ diện tích bé hơn, bà Bích vẫn khó đẩy hàng đi trong thời điểm thị trường trầm lắng như hiện nay.

Căn hộ áp mái - một dòng sản phẩm thuộc phân khúc từ cao cấp đến hạng sang tại TP HCM đang rớt giá khiến nhà đầu tư đứng ngồi không yên. Ảnh: A.D.

Ông Trần Minh đang ôm một căn biệt thự trên cao tại quận 7, một biệt thự ven sông tại quận 2 chôn hơn chục tỷ đồng nhưng bán mãi chẳng xong. Ông Minh trải lòng: "Khổ nhất lúc này là dù mình chấp nhận giảm giá khách vẫn chê đắt. Biệt thự trên cao hiện rất ít người quan tâm".

Trong khi đó, bà Nguyễn Tôn Hải mua căn hộ chung cư 80 m2 có giá hơn 7 tỷ đồng tại dự án cao cấp tọa lạc trên khu đất vàng quận 3, TP HCM đứng ngồi không yên khi công trình chậm tiến độ. Chỉ mới đóng đợt đầu gần 800 triệu đồng nhưng bà Hải muốn rút vốn về vì không muốn kéo dài thời gian đầu tư. "Thấy dự án chậm tôi lo lắm. Nếu giao nhà đúng hẹn thì tôi còn cố theo. Thế nhưng với tình hình trì trệ này tôi mất hết lòng tin", bà Hải bộc bạch.

Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại quận 1, TP HCM cho biết, trên thị trường sơ cấp (chủ đầu tư bán), thanh khoản của địa ốc hạng sang đang rất thấp. Trên thị trường thứ cấp nhà đất trị giá 5-7 tỷ đồng trở lên cũng bị rớt giá, lực bán lấn át mua. "Thừa cung thiếu cầu, lại mất giá nên phân khúc này bị thất sủng, chứng kiến nhiều cuộc tháo chạy", ông nói .

Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Đất Lạc Việt, Lê Thanh Phong nhận xét: "Đầu ra của căn hộ cao cấp, penthouse và nhà hạng sang đang bị thu hẹp dần trong khi rổ hàng phình to vì hàng tồn nhiều. Cứ vài trăm khách mua nhà giá rẻ họa may mới có một người tìm sản phẩm cao cấp".

Bất động sản cao cấp đang chịu nhiều sức ép và lép vế trước bất động sản bình dân. Ảnh: Vũ Lê

Theo ông Phong, sở dĩ nhu cầu bất động sản hạng sang tuột dốc vì phân khúc này giá trị lớn lại sụt giảm nhiều khiến nhà đầu tư kiệt quệ niềm tin và sa sút về tài chính trong giai đoạn thị trường khủng hoảng liên tục nhiều năm liền.

Thấm thía với 15 căn penthouse còn tồn trong dự án Thái An (quận 12) phải chẻ nhỏ thành 30 căn tiêu chuẩn, Phó giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành, Nguyễn Văn Đực thừa nhận: "Bất động sản cao cấp trong đó có penthouse đã qua thời hoàng kim. Bây giờ phân khúc này đã từ trên mây rơi xuống sát mặt đất".

Theo ông Đực, nhà ở cao cấp đang phải đương đầu với hàng loạt thách thức: quá đắt đỏ, rớt giá nhiều, không thể cạnh tranh nổi với dòng sản phẩm giá rẻ phục vụ nhu cầu thật. Chuyên gia này cho rằng, lối thoát cho căn hộ cao cấp là rà soát lại chỉ tiêu số người được phép cư trú tại dự án để xin hợp thức hóa chẻ các căn hộ diện tích lớn thành căn tiêu chuẩn. Ông Đực nhận định: "Doanh nghiệp và nhà đầu tư đã thấm đòn vì đổ tiền vào căn hộ cao cấp, penthouse, biệt thự hạng sang. Bây giờ nhà nhỏ, giá rẻ, phục vụ nhu cầu ở thật mới mong bán được".

Các chuyên gia khuyên người đã và đang đầu tư căn hộ hạng cao cấp trở lên cần rà soát lại các yếu tố: nhu cầu bản thân, vị trí, thiết kế, chất lượng xây dựng, quy hoạch, cộng đồng dân cư trước khi đưa ra quyết định tháo chạy hay nắm giữ khối tài sản này.

Theo đó, với người mua để ở, nếu xét thấy nhu cầu không thay đổi trong ngắn hạn và dự án đạt đúng tiêu chuẩn cao cấp có thể tiếp tục giữ hàng làm chốn an cư. Bởi lẽ xét về vòng đời, bất động sản cao cấp luôn có giá trị lâu dài và có sức sống bền bỉ hơn địa ốc giá rẻ.

Người đang ôm bất động sản cao cấp với mục đích đầu tư cần xét lại khả năng tài chính và giới hạn chịu lỗ để thương lượng đẩy hàng đi ngay lập tức hay trong trung hạn. Với người chuẩn bị đầu tư vào phân khúc này, yếu tố bắt buộc là phải có dữ liệu khách hàng thuộc nhóm V.I.P và mối quan hệ xã hội rộng để tiếp thị và bán sản phẩm. "Cái khó của bán hàng xa xỉ chính là phải biết rõ khách hàng tiềm năng trong danh sách hạn chế và "săn" đúng đối tượng có nhu cầu", một chuyên gia địa ốc tiết lộ.

Theo VnExpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.