Ảnh minh họa - Một dự án chung cư đang được xây dựng.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam, văn bản của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội có một số bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Cụ thể, thông báo không quy định rõ về quy mô, vị trí, tính chất công trình, dự án như ở nội đô, ngoại thành, hay nhà ở xã hội, nhà ở thương mại… Điều này gây khó khăn trong quá trình áp dụng, gây ách tắc toàn bộ hoạt động đầu tư các dự án bất động sản trên địa bàn thành phố.
Về vấn đề chuyển tiếp, với quy định của Thông báo, các dự án đang bị dừng lại hoặc trả về… đã thực sự gây khó khăn, bức xúc cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Thêm nữa, với việc quy định như vậy chi phí đầu tư sẽ bị dội lên, các thủ tục phải làm lại từ đầu, trong khi đó để dự án đi đến giai đoạn như quy định tại Thông báo, chủ đầu tư đã phải làm nhiều thủ tục và tốn quá nhiều thời gian. Điều này là bất hợp lý khi áp dụng vào thực tế.
VNREA cho biết, do chưa có sự khẳng định của Thành phố về tính hợp pháp của Thông báo mà Sở Quy hoạch Kiến trúc ban hành nên đến nay các nội dung thông báo đã và đang gây ách tắc hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản trên địa bàn thành phố, gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp.
Do đó, VNREA đề nghị UBND thành phố có văn bản dừng hiệu lực của Thông báo số 182/TB-QHKT của Sở Quy hoạch Kiến trúc đến khi UBND Thành phố có quyết định chính thức.
Bên cạnh đó, VNREA cũng đề nghị, cần phải xác định rõ quy mô, vị trí, tính chất của các dự án, công trình khi áp dụng các quy định này và phải phù hợp với quy hoạch tổng thể của toàn thành phố trong việc bố trí mạng lưới giao thông tĩnh cũng như các khu vệ sinh công cộng.
Mặt khác, các quy định này cần phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành đã được ban hành trước đó như quy chuẩn xây dựng nhà chung cư do Bộ Xây dựng ban hành.
Về việc chuyển tiếp, VNREA đề nghị chỉ áp dụng quy định này đối với các dự án, công trình bắt đầu nộp hồ sơ thỏa thuận kiến trúc, quy hoạch kể từ ngày có quyết định chính thức của UBND Thành phố.