18/09/2010 1:57 AM
Theo khảo sát của một số Cty Nghiên cứu thị trường có uy tín, hàng giả, hàng nhái chiếm từ 35 - 45% doanh số thị trường bán lẻ, trong đó lĩnh vực VLXD chiếm tỷ lệ cao, gây tổn hại lớn cho người tiêu dùng (NTD).

Điều đáng báo động hơn nữa là hàng giả, hàng nhái bây giờ không còn lén lút trong bóng tối nữa mà ngang nhiên cạnh tranh quyết liệt với hàng thật trên thị trường, giữa “thanh thiên bạch nhật”. Theo một quan chức Cục Quản lý thị trường (QLTT), nạn hàng lậu, hàng giả, hàng nhái diễn biến hết sức phức tạp và biến tướng ngày càng tinh vi. Nếu như trước đây hàng giả, hàng nhái chỉ xuất hiện khi hàng thật lâm vào cảnh thiếu hụt thì giờ đây, loại hàng này công khai “làm loạn” thị trường, thậm chí áp đảo thị phần bởi ưu thế giá rẻ.

Một trong những sản phẩm bị “thương hiệu tặc” nhiều nhất là thép, dễ hiểu bởi trong giá thành xây dựng, thép có giá trị cao. Trên thị trường hiện nay, các loại thép giả Việt - Úc biến tướng thành “VUC”, “VUA”, thép giả Việt - Hàn là “VP”, “UP”, thép giả Thái Nguyên với nhãn hiệu “TISCO”, “TISSCO”… Về hình thức, thép giả không dễ phân biệt với thép thật nhưng về chất lượng, khi đưa vào sử dụng thép giả dẫn đến hậu quả khó lường. Đây là những loại sắt thép gia công dùng phôi đúc sẵn, nguyên liệu từ sắt thép phế liệu mà ra, khả năng chịu lực kém gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình. Tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái, phải kể đến vai trò tích cực của các chủ cửa hàng bán lẻ. Nhiều chủ cửa hàng lợi dụng sự dễ tính và thiếu hiểu biết của khách hàng, thản nhiên bán hàng giả với giá thật. Khi khách hàng phát hiện, khiếu kiện thì “trở mặt” đòi thêm tiền hoặc ép chịu chi phí đổi, trả lại hàng.

Trước tình trạng thị trường xuất hiện hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu và nhà phân phối, ngày 1/7/2010, Cty CP Quốc Huy Anh đã gửi công văn tới các cửa hàng/đại lý phân phối chính thức.

Theo đó, thương hiệu keo Apollo Silicone do Cty CP Hóa chất và VLXD Quốc Huy Anh độc quyền tại Việt Nam từ năm 2003. Hiện nay, ngoài Quốc Huy Anh, không có DN, cá nhân nào phân phối sản phẩm Apollo Silicone một cách chính thức.

Theo Cty Quốc Huy Anh, qua khảo sát thị trường, họ được biết một số cửa hàng và đại lý tại Hà Nội đang bán sản phẩm Apollo Silicone giả mạo nhãn hiệu sản phẩm keo dán công nghiệp chất lượng Apollo Silicone do Cty độc quyền tại Việt Nam. Và hiện Cty này đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý triệt để các hành vi sản xuất và kinh doanh trái phép các mặt hàng giả nhãn hiệu Apollo Silicone. Ngoài ra, Cty Quốc Huy Anh cho biết sẽ trao tặng một phần thưởng có giá trị từ 50 -100 triệu đồng cho bất cứ ai cung cấp thông tin chính xác dẫn tới việc phát hiện và xử lý hành vi giả mạo sản phẩm Apollo Silicone tương ứng với số lượng là 50 thùng, và 100 thùng trở lên.

Một chủ thầu có thâm niên cho biết, đứng thứ hai trong số sản phẩm VLXD dễ bị “dính” hàng giả là sơn tường. Do giá chênh lệch khá cao giữa các hãng sơn, không ít cửa hàng hám lợi dùng cách đổi ruột. Với 10.000 đồng/vỏ thùng sơn cao cấp mua lại của cánh thợ hồ hoặc những người thu gom ve chai, đổ sơn rẻ tiền vào, cửa hàng có thể thu lợi hàng chục ngàn đồng. NTD khó phát hiện ra cho đến khi bức tường nhà mình sau thời gian sử dụng bị hiện tượng phấn hóa, xỉn màu, bong, rộp mới biết “dính” sơn giả.

Không phải là sản phẩm đắt tiền, tấm lợp fibro - xi măng vốn được coi là bạn của người nghèo, đồng bào vùng sâu vùng xa cũng vẫn bị những sản phẩm kém chất lượng “chen chân” làm khó cho các DN sản xuất uy tín. Trong khi các Nhà máy “cầm cự” khỏi lỗ cũng chỉ giữ mức giá trung bình trên dưới 30.000 đồng/tấm thì thị trường có những sản phẩm giá chào bán chỉ 20 - 22.000 đồng/tấm. Ông Lê Minh Phúc - Phó Chủ tịch HHTLVN khẳng định với mức giá bán thấp như vậy DN chỉ có thể “ăn cắp” của người tiêu dùng ngay từ khâu sản xuất bằng cách giảm 10% kích thước tấm lợp so với quy chuẩn, giảm 20% lượng amiăng hoặc sử dụng xi măng mác thấp. Những sản phẩm này nhìn bề ngoài hình thức như nhau nhưng khi dùng mới biết, nhanh hỏng và dễ vỡ trong quá trình vận chuyển.

Theo một chuyên viên QLTT, tình trạng VLXD bị làm giả, làm nhái tương đối phổ biến nhưng kết quả thanh tra, xử lý chưa thấm vào đâu so với thực tế diễn ra. Sở dĩ như thế là vì đa phần hàng giả, hàng nhái không bày bán tại các cửa hàng mà được cất giấu ở những kho riêng nên việc kiểm tra, xử lý chỉ phát hiện được sự gian lận về giá cả. Lời khuyên của các nhà sản xuất và kinh doanh VLXD uy tín để tránh mua phải hàng nhái, hàng giả NTD hãy đến showroom, những đại lý lớn của các hãng sản xuất, nghe tư vấn kỹ,kiểm tra nhãn mác, tem chống hàng giả… và trực tiếp giám sát quá trình vận chuyển tới chân công trình.

TUYÊN CHIẾN VỚI HÀNG GIẢ

Năm 2009, TCty VIGLACERA phối hợp với Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ và Công an C15, đã tiến hành thanh tra đột xuất và lập biên bản vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp đối với Cty TNHH Thương mại và dịch vụ Hà Minh Đức (Cty Hà Minh Đức), có trụ sở tại xã Phùng Hưng, huyện Khoái Châu, Hưng Yên.

Trong quyết định xử phạt của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ rõ, Cty Hà Minh Đức đã có hành vi tàng trữ để bán sản phẩm gạch nung gắn dấu hiệu “VIGLACERA Hà Minh Đức”. Đây là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Viglacera” đang được bảo hộ cho TCty VIGLACERA.

Vì hành vi vi phạm sở hữu công nghiệp này, Cty Hà Minh Đức đã bị xử phạt hành chính 39.440.000 đồng. Ngoài ra, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cũng yêu cầu Cty Hà Minh Đức thực hiện ngay biện pháp khắc phục hậu quả - bỏ nhãn mác VIGLACERA gắn trên 68.000 viên gạch nung của Cty.

Cafeland.vn - Theo Báo Xây Dựng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland