Khu đô thị thành hình, khu đất dịch vụ chưa được giải phóng mặt bằng
Ngày 15/12/2011, UBND thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) ban hành Quyết định thu hồi 518.012 m2 đất nông nghiệp tại xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên, liên quan đến 688 hộ, cá nhân để bồi thường, giải phóng xây dựng Khu đô thị Nam Vĩnh Yên.
Sau 10 năm, Khu đô thị Nam Vĩnh Yên giai đoạn 1 đã được xây dựng với những khu nhà biệt thự, đất nền, khách sạn 4 sao và hồ điều hòa. Còn ngược lại, khu đất dịch vụ trả cho các hộ dân mất đất nông nghiệp để thực hiện dự án tại đồng Cây Đề, xã Thanh Trù vẫn là mương nước cánh đồng, vẫn chưa được giải phóng mặt bằng.
Chủ trương giao đất dịch vụ cho nhân dân là chính sách của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đối với các hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp quỹ 1 giai đoạn từ 1/1/1997 - 30/6/2014 và được cụ thể hóa bằng các Quyết định của UBND tỉnh như: Quyết định số 60/2009/QĐ-UBND ngày 11/11/2009; Quyết định số 17/2011/QĐ-UBND ngày 20/4/2011; Quyết định số 06/2012/QĐ-UBND ngày 23/3/2012; Quyết định số 40/2014/QĐ-UBND ngày 6/9/2014.
Khu đô thị Nam Vĩnh Yên giai đoạn 1 đã được xây dựng với những khu biệt thự, đất nền, khách sạn 4 sao và hồ điều hòa.
Theo quy định, khi thu hồi 360 m2 đất nông nghiệp (1 sào Bắc bộ), người dân được trả 12 m2 đất dịch vụ. Đất nông nghiệp bị thu hồi, người nông dân mất tư liệu sản xuất, tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ cả tiền, đồng thời dành cho người dân một khoản quỹ đất dịch vụ để phát triển kinh tế khi không còn sản xuất nông nghiệp.
Đất dịch vụ phải được các địa phương quy hoạch ở vị trí thuận lợi hơn đất ở, được ứng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, để giao đất dịch vụ cho người dân khi thu hồi đất nông nghiệp.
Người dân xã Thanh Trù (thành phố Vĩnh Yên) đã bị thu hồi khu đất “bờ xôi ruộng mật” để xây dựng dự án Khu đô thị Nam Vĩnh Yên đã là thiệt thòi. Đến nay, khu đất dịch vụ theo quyền lợi được hưởng vẫn chưa có để ổn định chỗ ở, phát triển kinh tế, 288 ô đất dịch vụ trả cho người dân nhiều năm vẫn chưa “lên hình”.
Nghịch lý giao đất dịch vụ người dân không nhận
Sau 10 năm, người dân xã Thanh Trù chờ đợi chính quyền địa phương trả đất dịch vụ theo đúng quy định thu hồi giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp, ngày 27/12/2019 UBND thành phố Vĩnh Yên có văn bản trả đất dịch vụ cho các hộ dân xã Thanh Trù. Theo đó, 288 ô đất dịch vụ người dân được nhận ở khu vực đồng Cây Đề (xã Thanh Trù) sẽ được trả bằng ô đất tại khu dân cư đồng Gáo (phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên).
Khu vực đồng Cây Đề, xã Thanh Trù - nơi trả đất dịch vụ cho các hộ dân vẫn là mương nước cánh đồng, vẫn chưa được giải phóng mặt bằng.
Quyết định trả đất dịch vụ tại khu dân cư đồng Gáo, phường Hội Hợp đã gây bức xúc cho người dân. Việc thay đổi vị trí trả đất dịch vụ mà người dân không được biết, không được bàn.
Bà Nguyễn Thị Dần, thôn Đông, xã Thanh Trù bức xúc: “Chúng tôi đã chấp hành chủ trương trong giải phóng mặt bằng thu hồi đất nông nghiệp thực hiện dự án Khu đô thị Nam Vĩnh Yên, 10 năm nay người dân vẫn không có đất dịch vụ. Nay, thành phố Vĩnh Yên lại bất ngờ trả đất dịch vụ khác với địa điểm ban đầu. Giá đất ở khu đồng Gáo, phường Hội Hợp chỉ bằng 1/2 giá đất ở khu đồng Cây Đề, xã Thanh Trù. Người dân đã thiệt thòi khi bị thu hồi đất nông nghiệp, thiệt thòi khi đất dịch vụ chậm được trả, giờ lại thiệt thòi khi trả đất dịch vụ ở nơi giá thấp chỉ bằng một nửa”.
Việc trả đất dịch vụ tại xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên diễn ra một nghịch lý. Thay vì sự hồ hởi đón nhận của người dân sau nhiều năm chờ đợi, các hộ dân được hưởng đất dịch vụ cùng không đồng ý nhận đất dịch vụ khi UBND thành phố Vĩnh Yên tổ chức bốc thăm, đơn thư cầu cứu của các hộ dân cũng được gửi đi các cấp, ngành.
UBND thành phố Vĩnh Yên đã tổ chức 3 lần đối thoại (2 lần tại UBND xã Thanh Trù và 1 lần tại UBND thành phố) nhưng không nhận được ý kiến đồng thuận của người dân.
UBND thành phố Vĩnh Yên đối thoại với người dân nhận đất dịch vụ của xã Thanh Trù.
Ông Đỗ Văn Dưỡng người dân xã Thanh Trù cho rằng, trước khi chuyển khu vực đất dịch vụ từ đồng Cây Đề, xã Thanh Trù sang khu dân cư đồng Gáo, phường Hội Hợp cần lấy ý kiến người dân. Tuy nhiên, UBND thành phố Vĩnh Yên không thực hiện nên người dân bức xúc. Sau khi ra quyết định chuyển khu vực đất dịch vụ mới thực hiện đối thoại với người dân, đây là làm theo “quy trình ngược”.
Bà Phùng Thị Thúy Hiền, Chủ tịch UBND xã Thanh Trù cho biết, theo quy hoạch, khu đất dịch vụ giao trả cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp tại xã Thanh Trù gồm có hai điểm là: đồng Thảy Nảy và đồng Cây Đề. Trong đó, đất dịch vụ tại đồng Thảy Nảy đã được bốc thăm và giao cho người dân bị thu hồi đất giai đoạn 2004 – 2010. Những hộ dân bị thu hồi đất sau năm 2010 sẽ được bố trí giao đất dịch vụ tại đồng Cây Đề.
“Nếu giải phóng mặt bằng được khu vực đồng Cây Đề thì vẫn bố trí đất dịch vụ tại khu vực này cho người dân. Nhưng hiện tại không giải phóng mặt bằng được khu vực đồng Cây Đề dù chính quyền đã thực hiện tuyên truyền. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc phải giải quyết xong dứt điểm đất dịch vụ cho người dân ở quý 1 và quý 2 năm 2020 nên phải đưa phương án chuyển vị trí” - bà Phùng Thị Thúy Hiền cho biết.
Quyết định của UBND thành phố Vĩnh Yên chuyển khu đất dịch vụ của người dân xã Thanh Trù đã đúng quy trình, có thực sự hợp lòng dân, để dân biết, dân bàn? Vấn đề này chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập ở bài 2 của loạt bài này: “Quyết định chuyển vị trí khu đất dịch vụ không hợp lòng dân!”.
-
Vĩnh Phúc: Giá đất mới tăng mạnh, một số vị trí tăng gấp 3-8 lần mức cũ
Theo Bảng giá đất mới ban hành và có hiệu lực từ ngày 20/1/2025, giá đất tại Vĩnh Phúc tăng mạnh, một số vị trí tăng gấp 3-8 lần so với trước.
-
Doanh nghiệp nào đứng đầu danh sách nợ thuế tỉnh Vĩnh Phúc?
Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc vừa thực hiện công khai danh sách 102 doanh nghiệp nợ thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước với số tiền gần 500 tỉ đồng.
-
Vĩnh Phúc thông xe cầu vượt gần 500 tỷ đồng, xoá nghẽn ở nút giao thông quan trọng
Dự án cầu vượt Nguyễn Tất Thành có 8 nhịp (2 nhịp chính và 6 nhịp dẫn), sử dụng công nghệ dây văng, trụ tháp cách điệu; bề rộng cầu 22,5m; tổng mức đầu tư dự án là 488 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn đầu tư công ngân sách cấp tỉnh....