Nhiều doanh nghiệp tên tuổi lớn như Tập đoàn Vingroup, Hòa Phát, Phát Đạt,… hiện đang nghiên cứu đầu tư các dự án khu công nghiệp quy mô lớn tại nhiều địa phương trong cả nước.

Ảnh minh họa

Nhiều dự án khu công nghiệp được chấp thuận

Thống kê từ Bộ Xây dựng cho biết, trong quý 1/2023 thị trường bất động sản công nghiệp tiếp tục được ghi nhận là điểm sáng khi nguồn cung có thêm nhiều dự án đầu tư khu công nghiệp được chấp thuận. Đồng thời xuất hiện các nhà sản xuất toàn cầu với nhu cầu đầu tư lớn đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa chuỗi sản xuất tại Bắc Giang, Đồng Nai,...

Bên cạnh điểm sáng tích cực nói trên thì nguồn cung bất động sản khu công nghiệp, đặc biệt là khu công nghiệp có diện tích lớn hiện vẫn còn hạn chế. Trong quý 1/2023, nguồn cung bổ sung nổi bật từ một số dự án được khởi công, ra mắt mới tại các tỉnh như Bình Dương, Cần Thơ, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình.

Bộ Xây dựng cho biết, công suất thuê bất động sản công nghiệp trong quý có xu hướng tăng nhẹ so với quý 4/2022.

Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp bình quân trên cả nước hiện nay vẫn duy trì ở mức trên 80%. Tại các địa phương như Bình Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, TP.HCM công suất cho thuê luôn ở mức cao trên 95%. Giá cho thuê đất tại các khu công nghiệp trong quý 1/2023 cũng tăng khoảng 8 - 10% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh đó, vào quý 2/2023 nhiều doanh nghiệp đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư nhiều dự án khu công nghiệp mới tại các địa phương.

Đơn cử, tại hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư, nhiều doanh nghiệp đã ký kết với Khánh Hòa biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư các dự án khu công nghiệp như: Khu công nghiệp Ninh Sơn; Khu công nghiệp Nam Cam Ranh; Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng.

Tương tự, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 33 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 210.000 tỷ đồng.

Trong số 33 dự án nói trên, có rất nhiều dự án khu công nghiệp. Chẳng hạn, Tập đoàn Vingroup nghiên cứu xây dựng dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng tổng vốn đầu tư 13.200 tỷ đồng; Công ty cổ phần Hoàng Thịnh Đạt nghiên cứu xây dựng 2 dự án tổ hợp Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bắc Hồng Lĩnh và Khu công nghiệp phía Tây TP. Hà Tĩnh với tổng vốn đầu tư 2.350 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư và xuất nhập khẩu Thăng Long nghiên cứu xây dựng dự án Khu công nghiệp Gia Lách mở rộng, vốn đầu tư dự kiến 2.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn Semec nghiên cứu xây dựng dự án Đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên và dự án Cụm công nghiệp Tân Lâm Hương; Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) nghiên cứu xây dựng dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP tại tỉnh Hà Tĩnh.

Mới đây, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với Công ty Messer SE & Co. KgaA thực hiện dự án nhà máy sản xuất khí công nghiệp Messer - Quảng Ngãi tại KCN Phía Đông, KTT Dung Quất, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 3.157 tỷ đồng (tương đương 133 triệu USD).

Đơn vị này cũng đang xem xét đề xuất của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển KCN Phát Đạt về việc đầu tư xây dựng khu công nghiệp đô thị dịch vụ Phát Đạt - Dung Quất tại khu vực 2 (495 ha), khu vực 4 (310 ha), thuộc phân khu Bình Thanh, Khu kinh tế Dung Quất.

Tại Phú Yên, Tập đoàn Hòa Phát vừa đề xuất đầu tư 4 dự án tại Khu kinh tế Nam Phú Yên với tổng vốn đầu tư 120.000 tỷ đồng. 4 dự án nói trên gồm, dự án kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Hòa Tâm, Cảng bãi Gốc, Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm và Khu thương mại - Dịch vụ.

Bổ sung quy hoạch nhiều khu công nghiệp mới

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiều quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định khu vực Nam Vân Phong trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển, cùng với các dự án khu đô thị, dịch vụ du lịch ven biển.

Tại đây sẽ tập trung thu hút các dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các dự án công nghiệp trọng điểm với các ngành công nghiệp chủ lực như công nghiệp công nghệ cao, năng lượng, chế biến dầu khí, đóng tàu, công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành công nghiệp phụ trợ.

Khánh Hòa sẽ quy hoạch hệ thống các khu, cụm công nghiệp hợp lý về không gian lãnh thổ, khai thác được tiềm năng, lợi thế của tỉnh và bảo đảm phát triển bền vững. Tỉnh cũng phát triển đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp với hệ thống hạ tầng xã hội cùng các dịch vụ phục vụ người lao động.

Tại Hà Tĩnh, ngoài các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Vũng Áng và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh này còn được quy hoạch 5 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.287 ha và 45 cụm công nghiệp với tổng diện tích đến năm 2030 khoảng 1.892ha.

Trong khi đó tại Bắc Giang, khu vực bố trí tập trung các khu, cụm công nghiệp gồm: Khu vực công nghiệp theo trục hành lang QL1A, cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn; Khu vực công nghiệp theo trục hành lang ĐT398, ĐT296 - ĐT295 - QL37 - QL17 - ĐT299; Khu vực công nghiệp phía Đông theo tuyến hành lang ĐT293 - QL37, vành đai V.

Đến năm 2030, Bắc Giang được quy hoạch 29 khu công nghiệp với diện tích khoảng 7.000 ha (trong đó có 12 khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ); quy hoạch 63 cụm công nghiệp với diện tích khoảng 3.006 ha.

Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.