26/12/2011 9:09 AM
Tưởng chừng những vụ tranh chấp chung cư đình đám liên tục diễn ra thời gian qua sẽ khép lại 1 năm đầy thăng trầm của thị trường BĐS. Tuy nhiên, mới đây lại tiếp tục xảy ra những vụ tranh chấp liên quan đến nhiều dự án BĐS tại thị trường phía Bắc.

Viglacera chiếm dụng vốn


Vụ việc Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng (Viglacera) bị khách hàng tố “lật kèo” đã làm nóng thị trường BĐS Hà Nội thời gian gần đây. Theo phản ánh của khách hàng, năm 2007, Viglacera cho phép CBCNV công ty được mua nhà, đất ưu đãi tại dự án nhà ở liền kề Xuân Phương với mức giá khoảng 12 triệu đồng/m2, bao gồm xây thô.


Đổi lại, Viglacera sẽ huy động vốn CBCNV dưới hình thức sổ tiết kiệm với số tiền huy động 330 triệu đồng/sổ, lãi suất 0,8%/tháng và thời hạn vay trong vòng 6 tháng.


Viglacera và TSQ “lật kèo”
Một góc Làng Việt kiều châu Âu.

Tuy nhiên, phải 4 năm sau, đến cuối tháng 10-2011, các nhà đầu tư mới nhận được thông báo của Công ty Đầu tư hạ tầng và đô thị Viglacera (đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án) yêu cầu khách hàng đến thanh lý sổ tiết kiệm, ký hợp đồng vay tài sản và bản đăng ký mua nhà.


Theo đó, đối với những khách hàng đã nộp tiền huy động nhưng không có nhu cầu chuyển sang ký hợp đồng vay tài sản công ty hoặc không có tiền để mua nhà, công ty sẽ chi trả toàn bộ gốc của sổ nhưng lãi suất chỉ... 0,8%/năm.


Còn những người có nhu cầu ký hợp đồng mua nhà sẽ mua với mức giá bán đất mới được công ty đưa ra là 34 - 40 triệu đồng/m2, chưa bao gồm tiền xây dựng thô khoảng 10 triệu đồng/m2.


Điều này khiến khách hàng phẫn nộ và phản đối. Theo nhiều khách hàng, việc này chẳng khác gì chủ đầu tư đã chiếm dụng vốn của khách hàng trong 4 năm qua.


Ngoài ra, việc áp giá 40 triệu đồng/m2 hoặc chỉ trả lãi suất 0,8%/năm là quá vô lý và đẩy người mua vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Rắc rối hơn, nhiều người là CBCNV đã chuyển nhượng sổ tiết kiệm cho các nhà đầu tư ngoài công ty với mức giá chênh lệch từ 200 triệu đồng - 2 tỷ đồng/sổ.


Trong quyết định của Tổng giám đốc Viglacera Nguyễn Trần Nam (nay là Thứ trưởng Bộ Xây dựng) đã ghi rõ: “Khi CBCNV cho vay tiền mà dự án thực hiện được thì sẽ ưu đãi họ được mua đất ở trên dự án”.


Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, dự án đã không đảm bảo đúng tiến độ dự kiến nên đến ngày 15-9 vừa qua, công ty mới tiến hành thanh lý sổ tiết kiệm, trả hết lãi và gốc từ năm 2007.


Hiện tại, CBCNV vẫn được mua với giá đất nền 34 triệu đồng/m2 có hạ tầng nhà liền kề và 31 triệu đồng/m2 đối với nhà biệt thự. Mức thỏa thuận ban đầu khoảng 12 triệu đồng/m2 sẽ không thực hiện được bởi riêng tiền sử dụng đất đang nộp cho Nhà nước đã hơn 15 triệu đồng/m2.


Các khách hàng, nhà đầu tư đã mua lại sổ, công ty không có trách nhiệm thông báo hay thỏa thuận gì vì thỏa thuận trước đây mang tính nội bộ, sổ tiết kiệm họ đang giữ cũng không mang tên họ.


Động thái này của chủ đầu tư khiến không ít khách hàng, đặc biệt những người đã mua lại suất mua như “ngồi trên đống lửa”, bởi nếu chấp nhận nộp tiền cho chủ đầu tư thì phải đóng thêm một khoản tiền khổng lồ, nhưng không đóng thì số tiền chênh lệch mua suất đầu tư sẽ bị mất.


Khởi kiện TSQ


Rắc rối tại dự án Làng Việt kiều châu Âu đã phát sinh từ đầu năm 2010, khi bị khách hàng tố tăng tới 38% giá bán. Từ đó đến nay, giữa chủ đầu tư TSQ Việt Nam và khách hàng liên tục xảy ra tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt”.


Sự việc bắt đầu năm 2011, chủ đầu tư đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với một số khách hàng. Nhiều khách hàng mua căn hộ chung cư Euro Land thuộc dự án Làng Việt kiều châu Âu đứng trước tình cảnh “mất trắng” dù đã đóng đến 90% giá trị dự án.


Cụ thể, ngày 8-12, trên website chính thức của TSQ Việt Nam thông báo về việc nộp tiền đợt cuối. Theo đó, số tiền đợt 5 khách hàng phải nộp bao gồm: 10% của hợp đồng và tổng số tiền phát sinh của các đợt.


Theo lý giải của TSQ Việt Nam, hiện tại tỷ giá bán ra được công bố của Vietcombank đã thay đổi quá 2% so với thời điểm ký hợp đồng. Do đó, số tiền 10% theo hợp đồng nộp đợt cuối đã phát sinh chênh lệch tỷ giá. TSQ Việt Nam sẽ áp dụng tỷ giá cho số tiền 10% theo hợp đồng là 1USD = 20.600VNĐ.


Động thái này của TSQ bị khách hàng tố cáo chống lại chủ trương của Nhà nước, khi trước đó Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra TSQ và xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi niêm yết giá bằng ngoại tệ (USD) trong các hợp đồng góp vốn. Bộ Xây dựng cũng đã có công văn trả lời yêu cầu TSQ không được thu quá 70% giá trị hợp đồng trước khi bàn giao căn hộ.


Dù vậy, với những người không chịu đóng khoản tiền chênh lệch này, TSQ không ngần ngại thông báo chấm dứt hợp đồng. Hiện tại hàng trăm khách hàng của dự án làng Việt kiều châu Âu gửi đơn kiện lên Tòa án quận Hà Đông để được giải quyết.

Theo Hoài Trâm (SGĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.