06/01/2012 1:25 AM
Không có được tiếng nói chung trong buổi họp chiều 30/12/2011, một nhóm khách hàng của dự án Xuân Phương Viglacera đã quyết định nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi khi chủ đầu tư quyết giữ giá.

Chủ đầu tư kiến quyết giữ giá

Chiều 30/12/2011, cuộc họp giữa đại diện ban lãnh đạo Tcty Viglacera với hàng trăm khách hàng của dự án Khu chức năng đô thị Xuân Phương đã được tổ chức.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều khách hàng, cuộc họp không đi đến đâu khi những câu hỏi của các nhà đầu tư đưa ra không được chủ đầu tư trả lời thích đáng.

Cụ thể: nhiều khách hàng hỏi xoáy vào nội dung “Công văn 125 có giá trị pháp lý hay không?”, chủ đầu tư khẳng định luôn có giá trị pháp lý; về vai trò, thẩm quyền, chức năng của một Tcty có được quyền huy động tiền tiết kiệm trả lãi suất như những tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng hay không, chủ đầu tư không đưa ra câu trả lời rành mạch…

Cuộc họp kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Hàng trăm khách hàng của dự án đã có mặt. Tuy nhiên, khá nhiều khách hành đã bỏ ra bên ngoài, tụ tập thành nhiều nhóm nhỏ. Nhiều nhóm khách hàng đã thống nhất những phương án mới để “đối phó” với chủ đầu tư để bảo vệ quyền lợi của mình.


Viglacera giữ giá, khách hàng nhờ luật sư
Khách hàng phản đối chủ đầu tư Vigracer vào ngày 22/12/2011

Chốt lại nội dung buổi làm việc, Viglacera tập trung bốn nội dung chính. Thứ nhất, về giá chuyển nhượng đất có hạ tầng: Tcty không điều chỉnh giá chuyển nhượng đất có hạ tần. Giá chuyển nhượng đó thực hiện theo đúng phương án kinh doanh đã được Tcty phê duyệt (mức giá này là 34 triệu đồng/m2 đất và 9,4 triệu đồng/m2 sàn xây dựng hoàn thiện).

Mức giá này được phản đối vì cao gấp nhiều lần so với mức giá tại công văn 125 trước đây.

Thứ hai, về tiến độ nộp tiền được chia ra làm 03 giai đoạn trong vòng 06 tháng đầu năm 2012: đợt 1: khách hàng nộp 70% giá trị đất có hạ tầng trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ký HĐ; đợt 2: nộp 15% trước ngày 30/4/2012;đợt 3: nộp nốt 15% trước ngày 30/6/2012.


Trước đó, trong các cuộc họp với khách hàng, Viglacera đã đồng ý giãn tiến độ đóng tiền cho khách hàng.


Thứ 3, về xây dựng nhà: chủ đầu tư chấp thuận cho các khách hàng có yêu cầu được hoàn thiện phần bên trong ngôi nhà sau khi hoàn thành xây thô, hoàn thiện mặt ngoài với điều kiện không làm ảnh hưởng đến cảnh quan chung của KĐT và kết cấu công trình.


Chủ đầu tư sẽ gửi thông báo đến từng khách hàng đăng ký mua nhà, dự kiến trước 10/01/2012. Quá thời hạn ghi trong thông báo, nếu khách hàng không đến làm thủ tục ký kết HĐ sẽ được hiểu khách hàng đó không còn nhu cầu mua nhà tại dự án này.


Khách hàng quyết thuê luật sư bảo vệ quyền lợi

Ngay trong và sau cuộc họp, nhiều khách hàng của dự án Xuân Phương Viglacera đã bày tỏ sự bất bình với những quyết định cuối cùng do chủ đầu tư đưa ra vào cuộc họp chiều 30/12/2011.

Một nhóm hàng trăm khách hàng đã quyết định thuê luật sư bảo vệ quyền lợi, đồng nghĩa với việc sẽ kiện chủ đầu tư ra tòa.

Theo những khách hàng này, “chủ đầu tư đã không chia sẻ rủi ro, khó khăn với khách hàng” như đã cam kết. Mức giá bán tại thời điểm hiện tại là quá cao. Trong khi nhiều dự án chủ đầu tư phải bán tháo, chấp nhận lỗ, tỷ suất lợi nhuận sau thuế Viglacera đưa ra là 16,9% (tương đương với hơn 432 tỷ đồng) là điều bất hợp lý.


Viglacera giữ giá, khách hàng nhờ luật sư
Phối cảnh tổng thể của dự án Viglacera Xuân Phương

“Vì những nội dung của công văn 125 nên chúng tôi mới đầu tư ở dự án Xuân Phương Viglacera. Rất nhiều người đã bỏ tiền mua chênh lại suất nhiều tỷ đồng để chờ đợi dự án chậm tiến độ gần 5 năm trời này. Những kiến giải của Viglacera là không chấp nhận được”.

Khách hàng này phân tích tiếp: “Trong những nguyên nhân mà Viglacera đưa ra để tính mức giá mới có nội dụng: giá vật tư vật liệu từ 2007 đến 2011 tăng khoảng 1,64 lần; chi phí nhân công tăng khoảng 1,96 lần. Thế nhưng, đơn giá xây dựng tăng lên gấp 03 lần”.

Cũng theo khách hàng này, đơn giá mà Viglacera đưa ra chỉ thuần túy là con số trong HĐ mua bán giữa khách hàng với chủ dự án. Trên thực tế, giao dịch ngầm trên thị trường cao hơn rất nhiều. Điều này đã gây áp lực lớn về huy động vốn đối với các chủ đầu tư và tăng thêm mức rủi ro ở thời điểm thị trường đang lao dốc.

“Chúng tôi là nhà đầu tư nên nắm rất rõ mức giá của các dự án khác có vị trí cùng ở Xuân Phương như dự án của Viglacera. Nếu so sánh, giá của KĐT Viglacera Xuân Phương cao gấp 150% đến gần 200% so với các dự án này. Ví dụ, giá của căn hộ LK thuộc KĐT mới Vân Canh do HUD3 làm chủ đầu tư bán với mức giá 29,9 triệu đồng/m2 bao gồm giá trị quyền sử dụng đất, giá trị xây thô và hoàn thiện mặt ngoài công trình); giá căn hộ thấp tần xây thô của dự án Văn phòng Quốc hội do Cty CPĐT Đô thị và KCN Sông Đà 7 bán với mức giá 18 triệu đồng/m2; giá xây dựng 4.5 triệu đồng/m2)”.

Thời gian qua, trước những biến động bất thường của thị trường BĐS, nhiều dự án đã không được thực hiện đúng như cam kết. Nhiều khách hàng đã lựa chọn phương pháp thuê luật sư để bảo vệ quyền lợi của mình.
Theo Kiên Trung (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.