14/06/2020 8:16 AM
Theo Vietnam Airlines, dòng tiền của hãng đang cạn kiệt do khó khăn do dịch Covid-19 mang lại. Hàng không nội địa phục hồi nhưng doanh thu lại giảm vì các hãng đều cạnh tranh, giảm giá vé khốc liệt.

Hàng không cạn tiền

Ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines thông tin, đầu tháng 6/2020, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đưa ra dự báo, hàng không sẽ bị giảm doanh thu lên tới 419 tỷ USD.

Dự kiến, trong năm nay, các hãng hàng không lỗ 84 tỷ USD, đáng nói theo dự báo, giữa 2022, ngành hàng không mới quay trở về quy môn như năm 2019 và dự kiến 2021 vẫn lỗ 16 tỷ USD.

“Hầu như không còn hãng nào còn tiền trên tài khoản do dịch Covid-19 đã “đốt” 41% tài chính, tương đương 157 tỷ USD (giá trị vốn hóa của 116 hãng hàng không niêm yết trên toàn thế giới),” ông Hiền nhận định.

Các hãng hàng không hiện đều rơi vào trạng thái "cạn tiền" do dịch Covid-19 gây ra

Với Vietnam Airlines, sản lượng cả năm giảm 48% so với 2019; doanh thu cả năm nay sẽ giảm 50.000 tỷ đồng, dự kiến hãng sẽ lỗ khoảng 15.000-16.000 tỷ đồng trong năm nay.

Trong những tháng dịch Covid-19, dù không bay những hãng vẫn lỗ gần 2.100 tỷ đồng/tháng do các chi phí tàu bay, sân đỗ..., hiện nay thì còn lỗ khoảng 1.000 tỷ đồng/tháng.

Với các đơn vị thành viên như Jetstar Pacific, sản lượng tháng 6 giảm 64% so cùng kỳ, lỗ 1.200 tỷ đồng, doanh thu giảm 64,2%.

“Vietnam Airlines lỗ nặng nhưng vẫn trụ được vì trước dịch hãng có tiềm lực tài chính mạnh và cực tốt khi có 4.000 tỷ đồng trong tài khoản vào cuối năm 2019 và đầu 2020. Nhưng dịch Covid-19 đã “đốt” hết tiềm lực tài chính của hãng”- ông Hiền thừa nhận.

Theo IATA, Chính phủ các nước đã tung nhiều gói hỗ trợ để cứu các hãng hàng không. Đến giữa tháng 5/2020 vừa qua, Chính phủ một số nước đã tung gói hỗ trợ khoảng 120 tỷ USD, trong khi thực tế cần khoảng 250 tỷ USD.

Trong đó, phần lớn Chính phủ các nước lựa chọn hình thức hỗ trợ bằng cách phát hành cổ phiếu, hỗ trợ bảo lãnh cho vay… Như Nhật Bản tung gói hỗ trợ lên tới 89 tỷ USD cho các hãng hàng không, Singapore tung 11 tỷ USD…

Hàng không cạnh tranh mạnh về giá

Từ tháng 5/2020 đến nay, thị trường hàng không nội địa đã phục hồi, có thời điểm, sản lượng khách vận chuyển nội địa tăng mạnh so với năm 2019. Cụ thể như, sản lượng khách nội địa đầu tháng 6 của Vietnam Airlines tăng 14,4%, tuy nhiên doanh thu giảm 50%. Doanh thu quốc tế chiếm 60-65% của hãng nhưng hiện tại là con số 0%.

“Các hãng hàng không đều đang “thèm tiền” nên cạnh tranh mạnh về giá, liên tục tung ra các chương trình khuyến mại, giảm giá vé máy bay, kết hợp với các hãng lữ hành, bất động sản phát hành combo… giá rẻ. Do vậy, khách tăng chi phí tăng nhưng doanh thu lại giảm”- ông Hiền cho hay.

Theo tính toán, Vietnam Airlines thâm hụt dòng tiền khoảng 16.000 tỷ đồng, hãng tự cân đối được một ít, vì vậy cần Nhà nước “bơm” khoảng 12.000 tỷ đồng. Và nếu không được rót tiền kịp thời để tái cơ cấu, hoạch định sản xuất thì vào khoảng tháng 8/2020 tới đây, Vietnam Airlines sẽ hết tiền.

Vietnam Airlines đã có báo cáo kiến nghị Chính phủ hỗ trợ với tư cách là chủ sở hữu của hãng (vốn Nhà nước chiếm tới 86%) đề nghị vay quy mô tối thiểu ít nhất 4.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi mức thấp nhất theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, phù hợp với tình huống hỗ trợ khẩn cấp, thời gian vay tối thiểu là 3 năm và có bảo lãnh của Chính phủ.

“Vietnam Airlines không xin “bơm tiền” Nhà nước mà nếu Chính phủ không giải cứu thì khó có thể vay, nếu giải cứu thì niềm tin với các nhà đầu tư sẽ cao. Hãng không kỳ vọng xin được từ ngân sách Nhà nước mà vay sẽ trả. Hãng sẽ đề xuất phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn”- Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines nói.

Dù vậy, chắc chắn các giải pháp trên sẽ gặp vướng mắc về pháp lý khi vận dụng theo các quy định của luật pháp hiện hành, ông Hiền kiến nghị cần phải có các quyết định của cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng cơ chế đặc biệt để xử lý phù hợp với tình huống khẩn cấp.

Ngân Tuyền (ANTD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.