Nhiều ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đang dùng các biện pháp hành chính để cố gắng giữ tỷ giá thấp ở mức khiến người dân không thể dự trữ USD. Tuy nhiên, việc ”kìm cương” này đang trở nên khá mong manh, khi bắt đầu xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi cho nguồn cung USD, thậm chí có thể đẩy thị trường vào trạng thái khó kiểm soát hơn.
Mong manh giữ USD giá thấp

Tính từ thời điểm tháng 3 khi tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại (NHTM) đứng chót vót ở mức sát 21.000 đồng/USD cho tới thời điểm của đầu tuần này của tháng 5, tỷ giá này đã có xu hướng giảm dần. Tuy vậy, ở những ngày cuối tuần này, tỷ giá USD lại trồi sụt một cách khác thường. Trong ngày 4/5 tuần tỷ giá USD được các NHTM điều chỉnh lên 20.600 -20.750 VND/USD (mua vào- bán ra), tăng thêm khoảng 30VND so với giá thấp ở nhiều ngày trước đó. Ngày tiếp theo (5/5), tỷ giá USD lại giảm về 20580 -20.700 VND/USD, giảm khoảng 20-50VND tương ứng mỗi chiều mua vào – bán ra.

Cập nhật tỷ giá USD tại một số NHTM như Eximbank, Sacombank, ACB …chiều ngày 5/5, giá bán ra còn thấp hơn so với giá mà Vietcombank niêm yết, bán ra ở mức 20.650 VND đến 20.660 VND/USD.

Nhưng ngày 6/5 cuối tuần này, các NHTM lại bất ngờ đẩy tỷ giá này lên 20.700 -20.910 VND/USD, tăng mạnh 100- 250 VND/USD tương ứng mỗi chiều mua vào- bán ra.

Theo một số chuyên gia lĩnh vực ngân hàng nhận định, hiện có thể thấy, NHNN đang dùng những biện pháp hành chính để cố gắng giữ tỷ giá này ở mức khiến người dân không thể dự trữ đồng bạc xanh. Đặc biệt thời gian qua việc yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải bán “đô” cho hệ thống ngân hàng, cũng như việc giảm lãi suất USD đối với các cá nhân xuống 3%/năm, đã giúp cho trạng thái căng nguồn cung USD trùng xuống rất nhiều, tỷ giá cũng đi vào ổn định hơn.

Tuy nhiên, sự trồi sụt của tỷ giá USD tại các NHTM hiện nay cho thấy, giữ tỷ giá thấp còn khá mong manh, hay nói cách khác thì tỷ giá USD thấp như hiện nay là đã quá căng cho thị trường cũng như không phản ánh hết được diễn biến thực của USD.

Thị trường vẫn khan USD?

Nhìn vào tình hình hiện nay có thể thấy còn khá nhiều yếu tố đang ảnh hưởng mạnh tới nguồn cung USD. Cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn thâm hụt, đầu tư nước ngoài năm nay không mấy khả quan, bên cạnh đó nhập siêu đang trở thành nguy cơ gây thâm hụt , trong khi lượng kiều hối cũng có dầu hiệu giảm mạnh.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm nay, Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 26,9 tỷ USD, trong khi đó kim ngạch nhập khẩu tính chung 4 tháng đầu năm 2011 đã lên tới 31,8 tỷ USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm trước, đẩy nhập siêu 4 tháng đầu năm vọt lên 4,9 tỷ USD, bằng 18,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cũng trong tháng 4, các NHTM báo cáo lượng kiều hối đã giảm mạnh tới gần 20%, khiến nhiều lo ngại rằng USD năm nay sẽ chịu tình trạng khan nguồn cung và điều này cho thấy việc giữ tỷ giá thấp cũng như lãi suất quá thấp so với tiền đồng như hiện nay đang là những khó khăn đối với các ngân hàng.

Trưởng đại diện một ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam bị ”chảy máu” ngoại tệ chủ yếu là do nhập khẩu từ Trung Quốc. Đối với các nước khác như Mỹ và châu Âu, Việt Nam vẫn thặng dư thanh toán, tức là có nguồn xuất nhiều hơn là nhập. Vài năm gần đây, từ khi giao dịch qua biên giới với Trung Quốc tăng lên rất nhanh, mức thâm hụt hiện nay của Việt Nam lệch hẳn, chủ yếu là do nhập từ Trung Quốc. Đây là vấn đề lâu nay phía Việt Nam chưa thể có biện pháp giải quyết.

Một số chuyên gia khác cho rằng, lạm phát là từ yếu tố tiền tệ và thực tế hiện nay cho thấy tình hình rất mong manh. Thị trường sắp tới sẽ như thế nào là rất khó đoán, mọi người vẫn có nhiều nghi ngờ vào chính sách tiền tệ, tức là niềm tin vẫn chưa thể có. Thực tế, cũng đã có nhiều người chớp cơ hội bán USD để gửi tiền đồng nhưng với những người tính toán kỹ thì cho rằng tỷ giá USD hiện nay sẽ khó trụ lâu được và vẫn cầm “đô” thay vì VND. Do vậy, NHNN cần có biện pháp tăng dự trữ ngoại hối để lường trước hậu quả đang hiện hữu.

Cũng theo Trưởng đại diện này nhận định: “ Hiện chênh lệch lãi suất giữa VND và USD khá lớn nên nhiều người muốn nắm giữ VND nhưng khi “Infation” (lạm phát) giảm lãi suất VND sẽ không thể giữ cao, khi đó sẽ xuất hiện trạng thái chuyển sang nắm giữ USD…”.

Hiện nay NHNN đang cố gằng ghìm được tỷ giá ở mức thấp, nhưng nếu có trong quá trình cố kìm cương này lại xảy ra vấn đề bất thường ngoài ý muốn, chẳng hạn như sự thất thoát lớn trong doanh nghiệp hay trong hệ thống ngân hàng. Có thể ví dụ như vừa rồi xảy ra vụ việc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn VN (Agribank), đã gây thất thoát một khoản tiền khá lớn (khoảng 3.000 tỷ đồng), hoặc nếu xảy ra trường hợp nước ngoài không cho Việt Nam vay tiền…thì khi đó sẽ là những tác động rất xấu, sẽ là cú hích khiến thị trường rơi vào trạng thái khó kiểm soát hơn.

Cafeland.vn - Theo VnMedia
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland