Những khó khăn kinh tế ở châu Âu và Việt Nam dường như khiến hai bên chưa thể triển khai mạnh mẽ khuôn khổ hợp tác chiến lược mới - Hiệp định Đối tác và Hợp tác mới giữa Việt nam và EU (ký cuối năm 2010). Chuyến thăm này có thể hình dung đóng góp điều gì, thưa ông?
Việt Nam và EU có quan hệ đối tác ngày càng mạnh mẽ và mở rộng trên cơ sở tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Việc ký kết Hiệp định đánh dấu một bước tiến về chất lượng trong cách thức chúng ta hợp tác như các đối tác bình đẳng. Chúng tôi mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ này bởi nó có những cơ hội rất to lớn. Bây giờ là lúc phải tận dụng tối đa những cơ hội này.
Ở châu Âu có sự ngưỡng mộ sâu sắc với cách thức Việt Nam thực hiện được đổi mới và đưa hàng triệu công dân của mình thoát khỏi đói nghèo. EU cam kết đứng bên cạnh Việt Nam khi đất nước phải đưa ra một số quyết định khó khăn cho sự phát triển lâu dài của. Cam kết ODA kỷ lục 1 tỷ USD mà EU và các nước thành viên đưa ra cho năm 2012 khẳng định niềm tin của chúng tôi vào tương lai của Việt Nam.
Cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, cải cách ngành tài chính, chống tham nhũng sẽ không phải là điều dễ dàng đối với Việt Nam.
Nhưng cam kết duy trì mở cửa thị trường của EU mới thật sự là đóng góp tốt nhất mà chúng tôi có thể làm để thúc đẩy thêm tăng trưởng và tạo ra thêm việc làm ở Việt Nam và tại EU. Xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng 33,5% trong năm 2011. Đây là một minh họa tốt cho câu châm ngôn rằng trong mọi cuộc khủng hoảng đều có các cơ hội. Cả châu Âu và Việt Nam đều cần đến trao đổi thương mại. Hội nhập vào các thị trường quốc tế đã là động lực mang đến các kết quả kinh tế mạnh mẽ của chúng tôi trong quá khứ, và sẽ tiếp tục đóng vai trò đó trong tương lai. Đó là lý do tại sao chúng tôi mong muốn tiến tới một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) nhiều tham vọng và cùng có lợi giữa Việt Nam và EU.
Bên cạnh đó, hiện nay đã đến lúc nâng cao hơn nữa sự hợp tác của chúng ta trong các vấn đề quan tâm toàn cầu, bao gồm đối phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy an ninh, hạn chế các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và an toàn hạt nhân, cũng như phòng chống các đại dịch và thảm họa thiên nhiên.
EU có hàng loạt chính sách và công cụ ngoài lĩnh vực thương mại và viện trợ - trong các lĩnh vực môi trường, khoa học và công nghệ, bảo vệ người tiêu dùng, giáo dục, y tế công cộng, năng lượng - chúng có thể và sẽ hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển của Việt Nam. Vì vậy, bất chấp một số các thách thức quan trọng mà chúng ta đang phải đối mặt, ở châu Âu cũng như ở Việt Nam, tôi vẫn rất lạc quan về tương lai mối quan hệ giữa hai bên.
Quản lý vĩ mô phải đúng
Khủng hoảng nợ công ở châu Âu khiến cả thế giới đỏ mắt dõi theo, trong đó có Việt Nam - đối tác thương mại hàng đầu của châu Âu. Liệu những giải pháp vừa qua của châu Âu có đủ đảm bảo trấn an cho sự hồi phục, cũng như không cản trở quan hệ giữa EU và Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác trung tâm là thương mại, kinh tế?
Tôi tin tưởng rằng gói biện pháp toàn diện và đáng tin cậy mà các nhà lãnh đạo EU thực hiện trong những tháng vừa qua nhằm kiểm soát nợ công, tái cung cấp vốn cho các ngân hàng và tăng cường điều hành kinh tế sẽ giúp trấn an thế giới một lần nữa rằng chúng tôi đang xử lý khủng hoảng nợ của khu vực đồng euro và sẽ vẫn là một đối tác kinh tế mạnh mẽ của châu Á.
Những nguyên tắc kinh tế cơ bản của EU vẫn vững chắc và lành mạnh, không phải nghi ngờ gì về ý thức chính trị đối với sự cấp bách và hiệu quả trong việc giải quyết các thách thức. Đồng euro sẽ vượt qua được các khó khăn hiện tại và các nền kinh tế châu Âu sẽ thoát ra khỏi khủng hoảng với sức mạnh lớn hơn.
Tuy nhiên, các quan ngại đang diễn ra hiện nay về khu vực đồng euro và những yếu kém liên tục trong nền kinh tế Mỹ cho thấy rằng không có nền kinh tế nào được miễn dịch khỏi khủng hoảng. Ngay cả những nền kinh tế giàu nhất, nếu thiếu sự quản lý kinh tế vĩ mô đúng đắn và các chính sách duy trì tính cạnh tranh về lâu dài, sẽ có thể lâm vào khủng hoảng.
Việt Nam, đất nước đã rất thành công về mặt kinh tế kể từ khi phát động chính sách đổi mới, hiện đang đối mặt với các thách thức kinh tế và xã hội của riêng mình. Ổn định nền kinh tế, nâng cao hiệu quả đầu tư, tiến lên trong chuỗi giá trị, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, cải cách ngành tài chính, tạo ra một đội ngũ lao động lành nghề, chống tham nhũng, giảm bớt những chênh lệch xã hội và tạo ra việc làm cho hơn 1 triệu thanh niên mỗi năm sẽ không phải là điều dễ dàng.
Nhưng lúc này cần có các quyết định quan trọng nếu Việt Nam muốn thắng lợi trong quá trình chuyển tiếp lần thứ hai để trở thành một nền kinh tế công nghiệp hóa và hiện đại vào năm 2020. Trước kia Việt Nam đã chứng tỏ có thể thực hiện các quyết định khó khăn. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy các cải cách của mình.
Hãy mở cửa
Từ bài học xử lý khủng hoảng ở châu Âu, theo ông, "các quyết định quan trọng" mà Việt Nam cần đưa ra có thể là gì?
Trên bối cảnh các thách thức kinh tế vĩ mô dai dẳng mà Việt Nam hiện đang gặp phải, điều quan trọng là duy trì việc mở cửa thị trường. Chỉ bằng cách mở rộng xuất khẩu chứ không phải là kiềm chế nhập khẩu thì Việt Nam mới có thể giải quyết vấn đề lạm phát phi mã và ổn định nền kinh tế. Các biện pháp bảo hộ sẽ làm méo mó hình ảnh tích cực của Việt Nam và gây nhiều tổn hại trong khi không thể khôi phục được cán cân thương mại.
Thực hiện đầy đủ các cam kết WTO là điều tốt nhất mà Việt Nam cần làm để tái đảm bảo và khuyến khích hơn nữa luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mở cửa thị trường hơn nữa, đặc biệt là với các nền kinh tế mang tính bổ sung cho nền kinh tế của Việt Nam - như EU - sẽ là một lựa chọn quan trọng vì mục tiêu này. Tôi cũng hy vọng rằng một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) EU-Việt Nam có thể là một thành phần then chốt hỗ trợ khát vọng hiện đại hóa nền kinh tế và xã hội của Việt Nam và đưa nền kinh tế vững vàng vượt qua mức "thu nhập trung bình".