CafeLand – Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư diễn ra sáng nay (1/7) tại Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các quan chức hai nước đã chứng kiến trao 32 giấy chứng nhận đầu tư và Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực với tổng giá trị hơn 8 tỷ USD.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các quan chức hai nước chứng kiến trao giấy chứng nhận đầu tư và Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam với các nhà đầu tư Nhật Bản. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, Việt Nam sẽ là “miền đất hứa” đối với các tập đoàn, nhà đầu tư Nhật Bản vì Việt Nam luôn duy trì môi trường chính trị xã hội ổn định và là quốc gia có lợi thế về thương mại toàn cầu, có vị trí địa chính trị, kinh tế quan trọng trong khu vực và cả trên thế giới.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2018 đạt 7,08%, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước tăng trưởng GDP hàng đầu thế giới. Quy mô nền kinh tế Việt Nam đã đạt trên 245 tỷ USD và Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2045, quy mô nền kinh tế tăng hơn 10 lần, đạt tối thiểu 2.500 tỷ USD, với thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 20.000 USD.

Hiện tại, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở thương mại và đầu tư lớn hàng đầu thế giới với độ mở thương mại hiện đạt trên 200% GDP, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 500 tỷ USD, thuộc tốp 25 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.

Về độ mở đầu tư, tổng vốn đầu tư FDI của Việt Nam thu hút đến nay đã trên 350 tỷ USD với 28.000 dự án đang hoạt động và đã giải ngân trên 200 tỷ USD. Riêng năm 2018, Việt Nam đã thu hút trên 35 tỷ USD. Hiện có rất nhiều tập đoàn hàng đầu của thế giới hiện diện ở Việt Nam.

Thủ tướng cũng thông tin thêm về Hiệp định quan trọng EVFTA và IPA mới được ký kết hôm qua (30/6) giữa Việt Nam và EU. Việt Nam đã tham gia 14 hiệp định FTA và 3 hiệp định đang đàm phán. Như vậy bao phủ đến hầu hết các lục địa trên thế giới khiến Việt Nam trở thành tâm điểm của các dòng chảy thương mại toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý một số lĩnh vực tiềm năng của Việt Nam mà nhà đầu tư Nhật Bản nên quan tâm, đầu tư như chế biến, chế tạo; nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ; năng lượng, nhất là năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, hiện đang là nhu cầu lớn của Việt Nam…

Một lĩnh vực giàu tiềm năng khác của Việt Nam được Thủ tướng nhấn mạnh là du lịch. Thủ tướng cho biết Việt Nam là điểm đến thứ 6/10 điểm đến du lịch tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tăng trưởng du lịch quốc tế đạt trung bình 30%/năm. Hiện, đã có hàng chục tỷ USD đầu tư vào Việt Nam nhằm phát triển ngành kinh tế không khói này. Tuy nhiên, du lịch cũng là lĩnh vực mà các nhà đầu tư Nhật Bản có phần “chậm chân” trong phát triển các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch tại Việt Nam.

Thủ tướng cũng giới thiệu về tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam, hiện có quy mô hơn 150 tỷ USD và thị trường bất động sản, luôn là đích ngắm hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế, trong đó, bất động sản nghỉ dưỡng là mảnh đất hứa của các nhà đầu tư; cũng như tiềm năng về thương mại số.

Được biết, Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam về đầu tư, thương mại, du lịch, là nước cung cấp vốn vay ODA lớn nhất cho Việt Nam. Các công trình thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA và các dự án đầu tư của Nhật Bản hiện diện trên hầu hết các tỉnh thành của Việt Nam và trong nhiều lĩnh vực khác nhau, góp phần quan trọng vào việc thực hiện 3 đột phá chiến lược của Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững. Nhật Bản là nhà đầu tư số một của Việt Nam trong 2 năm 2017 và 2018.

Châu An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.