25/08/2021 11:41 AM
Theo công ty bất động sản Savills, trong giai đoạn 2017 – 2021, nguồn cung nhà ở có thương hiệu tại Việt Nam đã tăng 11%, đạt hơn 2.200 căn.

Về quy mô thị trường, nghiên cứu gần đây của Savills cho thấy Việt Nam nằm trong top 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng phân khúc nhà ở có thương hiệu hàng đầu thế giới.

Những thị trường chính của phân khúc này ở nước ta bao gồm Kiên Giang, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh và Khánh Hòa, đa phần là các thành phố có thế mạnh về du lịch. Nhà ở có thương hiệu phần lớn các khu biệt thự trải dài gần bờ biển.

Dữ liệu từ Savills cho thấy Sun Group đang là đơn vị dẫn đầu với 39% thị phần, đứng ngay sau là Bim Group với 9% thị phần. Về nhà điều hành, Accor hiện đang dẫn đầu với khoảng 1.200 căn từ 9 dự án khác nhau, chiếm 56% nguồn cung. Xếp ở vị trí tiếp theo là Wyndham với 245 căn từ 2 dự án, tương đương 11% nguồn cung, trong khi đó IHG, Furama và Radisson Blue chiếm 6% mỗi đơn vị.

Nguồn cung mới đối với phân khúc nhà ở có thương hiệu đang bị hạn chế. Trong quý I, tỷ lệ hấp thụ đạt mức 88%. Giá đất dao động từ hơn 22 triệu đồng/m2 đến hơn 175 triệu đồng/m2, cao nhất tại khu InterContinental Hạ Long, Quảng Ninh. Ngoài ra, giá chào bán dao động từ hơn 11 tỷ đồng đến gần 160 tỷ đồng mỗi căn, với mức giá cao nhất tại dự án Regent Villas và Resort Phú Quốc, Kiên Giang.

Tỉnh Kiên Giang chiếm 54% thị phần và có tỷ lệ hấp thụ cao nhất, đạt mức 86%. Trong khi đó, TP Đà Nẵng đứng ở vị trí thứ 2 với 16% thị phần và đạt tỷ lệ hấp thụ 79% trong quý I.

Từng có những ví dụ về các khu nhà ở có thương hiệu cung cấp lợi nhuận đảm bảo (GR) lên đến 18% mỗi năm trong thời gian 3 năm, và GR từ 9% đến 10% mỗi năm trong thời gian 10 năm. Tuy nhiên, GR đang dần bị thị trường loại bỏ vì những lý do khác nhau. Các dự án gần đây như Wyndham Skylake, Fusion Resort & Villas Đà Nẵng, Meliá Hồ Tràm giai đoạn 2 - The Hamptons, Sun Premier Village The Eden Bay không đưa ra phương án GR.

Phân khúc nhà ở có thương hiệu đang dần trở nên phổ biến hơn, đặc biệt với những tầng lớp giàu có. Các thương hiệu xa xỉ như một sự khẳng định về sự thành công của mỗi người. Chính vì vậy, ngày càng có nhiều người quan tâm tới các dự án khác nhau.

Phần lớn người mua đến thời điểm hiện tại vẫn là những doanh nhân giàu có trong nước cũng như một bộ phận người mua nước ngoài, chủ yếu đến từ Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan và Hàn Quốc. Trong năm 2020, số lượng người có giá trị tài sản ròng cao tại Việt Nam đạt mức 19.500 người, tăng 6%. Đến năm 2025, con số này ước tính đạt 25.800 người, đứng thứ 4 ở Đông Nam Á, sau Thái Lan, Indonesia và Singapore.

Tầng lớp giàu có ngày càng tăng có nghĩa là nhu cầu đối với phân khúc nhà ở có thương hiệu cũng tăng theo. Trong khu vực Đông Nam Á, giá cả tại thị trường Việt Nam có mức cạnh tranh, cùng với lợi suất hấp dẫn, đang thu hút nhiều sự quan tâm của người mua nước ngoài.

Theo Savills, có khoảng 65% là nhà đầu tư dài hạn, trong đó 30% là khách thuê còn 5% là đầu cơ tích trữ. Các chính sách tại Việt Nam cũng dần nới lỏng với các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó thúc đẩy sức mua.

Trong tương lai, châu Á được dự báo sẽ là một điểm nóng về thị trường nhà ở có thương hiệu. Số lượng nhà ở có thương hiệu dự kiến cũng sẽ tăng lên trong những năm tới. Vì vậy, cơ hội và tiềm năng của thị trường này là rất rõ ràng.

Chủ đề: Kinh tế Việt Nam,
Anh Nguyễn (Real Estate Asia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.