Ảnh minh hoạ.
Ngày 6/9, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng “Ổn định”.
“Việc nâng cấp lên Ba2 phản ánh sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Việt Nam so với các nước cùng ngành và khả năng chống chịu tốt hơn trước các cú sốc kinh tế vĩ mô bên ngoài, cho thấy hiệu quả chính sách được cải thiện”, Moody’s cho biết và kỳ vọng này sẽ tiếp tục được thúc đẩy khi nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi từ việc cấu hình lại chuỗi cung ứng, đa dạng hóa xuất khẩu và khả năng thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất .
Xếp hạng này cũng phản ánh một nền tảng tài chính vững chắc hơn được hỗ trợ bởi chi phí đi vay được hạn chế, cách tiếp cận thận trọng đối với chính sách tài khóa và cải thiện tính thanh khoản của chính phủ, được thúc đẩy bởi quá trình chuyển đổi đang diễn ra từ vay ưu đãi bên ngoài sang tài trợ thị trường trong nước với chi phí thấp, có thời hạn dài hơn.
Theo đánh giá của Moody’s, sức mạnh kinh tế của Việt Nam được củng cố bởi năng lực cạnh tranh ngày càng nâng cao và việc tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Năng lực cạnh tranh tăng trong khu vực sản xuất chế biến chế tạo của Việt Nam thể hiện hiệu quả vượt trội so với các quốc gia cùng mức xếp hạng trong khu vực và đã góp phần cải thiện thu nhập ngày càng tăng của người dân.
Moody's kỳ vọng Việt Nam trở thành trung tâm của nhiều hiệp định thương mại song phương và khu vực để khẳng định vị thế vững chắc của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương với Hàn Quốc, và gần đây là Liên minh Châu Âu và Vương quốc Anh.
Các hiệp định thương mại này sẽ củng cố vị thế cạnh tranh của Việt Nam đối với các sản phẩm có giá trị thấp hơn như giày dép, hàng may mặc và hàng nông nghiệp, đồng thời đặt Việt Nam vững chắc vào chuỗi cung ứng công nghệ khu vực có giá trị gia tăng cao hơn cho điện thoại thông minh, máy tính và các sản phẩm điện tử khác.
Tuy nhiên, Moody’s cũng lưu ý, rủi ro cơ cấu đối với quỹ đạo kinh tế này có thể xuất hiện trong vòng 5-10 năm tới do kho cảng, sân bay, cơ sở hạ tầng điện, đường sắt hiện có và dân số trong độ tuổi lao động, sẽ đạt đỉnh vào khoảng năm 2035, có thể không đủ để hấp thụ sự thay đổi quy mô lớn trong chuỗi cung ứng chuyển dịch đến đến Việt Nam từ Trung Quốc và các địa điểm sản xuất khác có mức lương cao hơn.
Moody's kỳ vọng các nhà chức trách sẽ tìm cách giải quyết những thách thức này thông qua đầu tư vào giáo dục và đào tạo công nhân để hỗ trợ năng suất cao hơn và việc làm trong các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn, đồng thời nhắm mục tiêu dòng vốn FDI vào các lĩnh vực có tác động lan tỏa trực tiếp lớn hơn đến các nhà cung cấp trong nước.
Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp dẫn đến hơn 30 lượt hạ bậc tín nhiệm trên thế giới trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, và là một trong bốn quốc gia trên toàn thế giới, được Moody’s nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.
-
Moody's xem xét nâng xếp hạng tín nhiệm VPBank và FE Credit sau thương vụ với SMBC Group
CafeLand - Ngày 12/05/2021, Moody's đã đưa xếp hạng và triển vọng dài hạn của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và công ty con FE Credit vào diện xem xét để nâng hạng tiềm năng.