Tiết kiệm nhà ở có lẽ là cách Việt Nam cần học tập mô hình ở nhiều nước để người dân có nhà ở
Khi nhu cầu nhà ở của người dân tại các đô thị đang ngày càng trở nên cấp thiết, đặc biệt là trong bối cảnh giá nhà đất vẫn còn khá cao so với khả năng chi trả, mô hình tiết kiệm nhà ở của Đức đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Đồng thời, sự vào cuộc chính thức của Bộ Xây dựng trong việc thảo luận mô hình này với CHLB Đức đã mở ra cơ hội giúp người dân tiếp cận được nhà ở.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tại khu vực đô thị trên cả nước hiện còn khoảng 7 triệu người có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội, với tổng diện tích lên tới 150 triệu mét vuông, tương đương nguồn vốn đầu tư khoảng từ 300.000 - 400.000 tỷ đồng.
Mô hình tiết kiệm nhà ở là một trong 3 mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở đang được sử dụng nhiều trên thế giới hiện nay.
Đây là quỹ tiết kiệm nhà ở dạng “đóng” chỉ huy động tài chính từ một nguồn duy nhất từ các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu vay để tạo lập nhà ở mà không được phép huy động từ các nguồn khác.
Một số nước đã và đang áp dụng khá thành công mô hình quỹ này như ngân hàng Bausparvertrag của Đức, Malaysia, Trung Quốc, Singapore…
Báo cáo của các chuyên gia đến từ Ngân hàng Tiết kiệm nhà ở Bausparkasse Schwäbisch Hall của Đức cho thấy, hiện nay tại nhiều nước châu Âu, tiết kiệm nhà ở đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc mua và sở hữu nhà ở của người dân.
Ngay cả nhiều nơi tại Trung Quốc, tiết kiệm nhà ở theo mô hình này cũng đã được áp dụng thành công. Với tiết kiệm nhà ở, cả nhà nước và nhân dân đều được hưởng lợi.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế Đức, đây là mô hình do người dân tự nguyên tham gia, tự nguyện đóng góp và xã hội hoá, nghĩa là thay vì sử dụng vốn chính sách, thì sử dụng vốn tư nhân và vốn nhàn rỗi của người dân.
Theo đó, nguyên tắc hoạt động của quỹ này tại Đức sẽ theo 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, người dân gửi tiết kiệm hàng tháng qua một thời gian đến khi họ đạt được 50% tổng giá trị căn hộ họ muốn mua.
Giai đoạn thứ hai, khi đã tiết kiệm được một nửa giá trị căn hộ, người gửi được phép vay nửa còn lại với lãi suất thấp để đủ mua căn hộ họ mong ước, thời gian còn lại họ sẽ dần dần trả lại khoản vay cho Ngân hàng Tiết kiệm nhà ở.
Nhiều nội dung khá hấp dẫn từ mô hình này đã nhận được nhiều sự quan tâm của phía các nhà quản lý và chuyên gia Việt Nam.
Điểm nhấn đáng ghi nhận đầu tiên phải kể đến việc tạo ra một cách thu hút nguồn tài chính khá linh động và an toàn.
Theo phân tích của TS. Volker Kreuziger, Giám đốc Bộ phận luật Ngân hàng Bausparkasse Schwaebisch Hall: Đây là mô hình đóng, tiền của người gửi không bị sử dụng ở thị trường tín dụng tự do, nên không có chuyện bị mất đi hoặc bị chiếm đoạt.
Đồng thời, mô hình này giảm tải sức ép tài chính cho Nhà nước, thay vì Chính phủ phải bỏ tiền ra từ đầu cho người dân với số lượng lớn, Chính phủ chỉ phải bỏ ra một chút ban đầu để khuyến khích người dân tham gia tiết kiệm cho mục đích có nhà ở.
Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, cho rằng: Trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục gặp khó khăn do nhiều yếu tố, mô hình này hứa hẹn sẽ tạo ra một kênh huy động vốn chuyên biệt, góp phần quan trọng trong việc giải bài toán nguồn vốn đầu tư cho phát triển nhà ở đang khá bức thiết ở Việt Nam hiện nay.
Không những thế, theo Thứ trưởng Nam, mô hình này sẽ tạo ra sự khuyến khích tới mỗi người dân trong việc có trách nhiệm hơn không chỉ với mục tiêu xóa đói giảm nghèo mà còn hiện thực hóa giấc mơ sở hữu ngôi nhà như mong muốn.
Ví dụ như ở Đức, ngay từ khi mới sinh ra, mỗi người đã được gia đình tham gia đóng tiền hàng tháng vào quỹ tiết kiệm nhà ở giống hoạt động tham gia bảo hiểm nhân thọ cho con cái của các gia đình Việt Nam hiện nay.
Một điểm cộng nữa cho mô hình này chính là, không chỉ tạo ra giải pháp tài chính an toàn để người dân mua được nhà, việc tham gia quỹ tiết kiệm nhà ở còn phục vụ cho các mục đích khác như: Sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp…thường xuyên căn hộ của mọi người.
Với gần 100 năm phát triển mô hình này, các chuyên gia Đức tỏ ra khá lạc quan khi áp dụng đối với thị trường nhà ở Việt Nam.
Tuy nhiên, xung quanh câu chuyện sẽ đưa mô hình tiết kiệm nhà ở vào Việt Nam như thế nào cũng xuất hiện không ít ý kiến trái chiều về tính khả thi, phản ứng của các ngân hàng thương mại về sự cạnh tranh có thể xảy ra, độ trễ của chính sách…
Bộ Xây dựng cho biết, hiện Bộ Xây dựng và các chuyên gia Đức đang thảo luận một cách nghiêm túc về mô hình này để đưa vào dự thảo Luật Nhà ở trình Chính phủ thông qua vào năm 2014.