Ngân hàng tiết kiệm nhà ở được thành lập từ năm 1931 tại Đức, đến năm 1947 đã cấp vốn cho người dân sở hữu khoảng 8 triệu nhà ở. Riêng trong năm 2012, số lượng hợp đồng tiết kiệm nhà ở của 22 ngân hàng theo mô hình này ở Đức đạt tới tổng giá trị 824,7 tỷ euro. Nhờ đó, thị trường bất động sản luôn ổn định, số lượng nhà ở xây mới tăng trưởng rõ rệt.
Theo ý kiến của Thứ trưởng Bộ Xây dựng, thực tế có những căn hộ giá 200-300 triệu đồng do Chính phủ miễn tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế. Với mức thu nhập hiện nay, người dân chỉ cần tiết kiệm được 100-150 triệu đồng, sau đó vay thêm 150 triệu đồng là hoàn toàn có thể trả được trong vòng 10 năm, mỗi năm trả 15 triệu đồng. Đây là mô hình rất hay, song nhiều chuyên gia lo ngại tính khả thi khi áp dụng ở Việt Nam vì đa số người thu nhập thấp không đủ tiền tham gia. Làm một con tính đơn giản: giả sử một đôi vợ chồng hiện có thu nhập trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng, nếu để dành được 5-6 triệu đồng, thì phải mất tới 60 tháng mới có thể mua được căn hộ giá 300 triệu đồng với điều kiện không trượt giá. Trong trường hợp giá nhà đất tăng gấp đôi thì sau 5 năm góp được 300 triệu đồng vẫn chưa đủ mua được nhà.
Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng cũng băn khoăn vì mô hình này chỉ thích hợp cho người có thu nhập ở mức trung bình. Còn ở ta, lãi suất vay, lãi suất gửi thay đổi liên tục. Hơn thế, việc đóng vào ngân hàng tiết kiệm 50% giá trị căn hộ là quá cao so với 30% của thế giới. Chưa kể, nước ta hiện có quá nhiều ngân hàng không nên thành lập thêm nữa, trong khi phải tái cơ cấu các ngân hàng nhỏ.
Bộ Xây dựng vẫn tỏ ra mặn mà với mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở vì phù hợp với chính sách an sinh xã hội. Bản thân mỗi gia đình muốn có nhà ở cũng phải tích cóp, tiết kiệm, tránh sự ỷ lại trông chờ vào bao cấp của Nhà nước. Dự kiến, nếu được Quốc hội thông qua, ngân hàng tiết kiệm nhà ở sẽ triển khai vào năm 2017.